Khó về thị trường, xuất khẩu nông sản liệu có 'cán đích' 54 tỷ USD?

Ngành nông nghiệp sẽ cần chú trọng vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng, khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Khó về thị trường, xuất khẩu nông sản liệu có 'cán đích' 54 tỷ USD? ảnh 1Gạo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng khi mang về 2,3 tỷ USD trong 6 tháng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt 24,6 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm hơn 45% mục tiêu của năm 2023 là 54 tỷ USD. Trong bối cảnh nhiều sản phẩm nông sản chủ lực đang gặp khó khăn về thị trường, ngành nông nghiệp dự kiến vẫn sẽ cán đích mục tiêu năm 2023.

Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/7 tại Hà Nội.

Xuất khẩu rau quả và gạo tăng trưởng mạnh

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm, nhóm nông sản chính đạt kim ngạch 12,8 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng hơn 26%. Thủy sản đạt hơn 4,1 tỷ USD, giảm hơn 27%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28%.

Đặc biệt, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch kỷ lục hơn 1 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng có kết quả xuất khẩu tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng khác như thanh long, chuối cũng tăng trưởng tốt, kỳ vọng đạt kim ngạch tỷ USD trong năm nay.

Chia sẻ điểm sáng về xuất khẩu rau quả trong 6 tháng, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng Việt Nam có diện tích về trồng trọt không lớn nhưng giá trị xuất khẩu rau quả không thua kém các nước, nông sản đi tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Với xu hướng công nghiệp hóa và dịch vụ, có thể giảm sản diện tích sản xuất tuy nhiên với việc tập trung vào nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị bằng tăng cường chế biến sản phẩm sâu… và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng thì mục tiêu xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt được con số 10 tỷ USD.

Khó về thị trường, xuất khẩu nông sản liệu có 'cán đích' 54 tỷ USD? ảnh 2Diện tích lúa gạo có xu hướng giảm nên cần tập trung vào nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh rau quả, gạo là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng khi mang về 2,3 tỷ USD trong 6 tháng, tăng gần 35% về giá trị so với cùng kỳ. Việc đầu tư chế biến trên 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính đã và đang giúp hạt gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn.

[Xuất khẩu thủy sản giảm: Kích hoạt toàn bộ máy, mở cửa thị trường]

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngành nông nghiệp gặp khó khăn về thị trường cả trong nước và xuất khẩu, giá một số mặt hàng xuống thấp, nhất là thịt heo, trong khi giá vật tư đầu vào không xuống ở mức cao ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của bà con nông dân. Trong bối cảnh đó, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, trong đó đa số các ngành hàng đều có sự tăng trưởng.

Chú trọng vào các sản phẩm chủ lực

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm dù không được như năm 2022 nhưng cũng đã có khởi sắc, cho thấy tín hiệu hồi phục tích cực từ các thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tìm mọi cách để vượt khó, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD của năm nay.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng cần chú trọng vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm. Theo đó, mặt hàng nông sản chính cần đạt giá trị xuất khẩu 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

“Muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu bằng năm ngoái, mỗi tháng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải tăng 7-8%. Bên cạnh việc hoàn thiên các văn bản pháp luật, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại là hết sức quan trọng,” ông Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản và cháy rừng cao ở nhiều địa phương… Những yếu tố này sẽ tác đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 24,59 tỷ USD có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu phân tích về các đối tượng ngành hàng thì lại nổi lên nhiều điểm sáng. Ví dụ như với rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%; gạo 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%; hạt điều 1,6 tỷ USD tăng 7,7%...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần nhìn từ bức tranh thị trường, bức tranh ngành hàng để điều hành xuất khẩu một cách linh hoạt, hợp lý. Với nỗ lực của toàn ngành, hết năm có thể xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số 54 tỷ USD, dù trong bối cảnh khó khăn.

Khó về thị trường, xuất khẩu nông sản liệu có 'cán đích' 54 tỷ USD? ảnh 3Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, gia tăng cơ hội cho nông sản Việt Nam.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đàm phán đưa nhiều mặt hàng nông sản tiềm năng sang các thị trường quen thuộc như: Dừa tươi sang Hoa Kỳ, xoài và thanh long sang Nhật Bản… đồng thời trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu, phối hợp với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến những thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng; các thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Đông Âu; các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát, có tăng trưởng khả quan như ASEAN.../.

Trong 6 tháng đầu năm, 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD bao gồm: Càphê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm và sản phẩm gỗ. Đáng chú ý, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Về thị trường, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; tiếp theo là Hoa Kỳ với hơn 20% và thứ 3 là Nhật Bản chiếm 7,7%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục