Sáng nay 25/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn-Ga Hà Nội có tổng số vốn đầu tư lên tới 783 triệu Euro. Giai đoạn 1 của dự án với tổng chiều dài 12,5 km bao gồm phần đi dưới hầm ngầm dài 4km và phần đi trên cao dài 8,5km. Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố đoạn Nhổn-ga Hà Nội là dự án vận tải hành khách công cộng lớn nhất trên địa bàn Hà Nội từ trước tới nay. Ông Phạm Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Gói thầu số 4 sẽ là gói thầu đầu tiên của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội được khởi công, đây là gói thầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật với các hạng mục san lấp mặt bằng, dựng nền…” “Việc thi công tuyến số 3 có nhiều điều kiện thuận lợi, nhà thầu sẽ sử dụng công nghệ đào ngầm của châu Âu, ráp nối bằng các phân đốt đúc sẵn. Ngoài đoạn thi công nổi, khoảng 4km đi ngầm khi thi công sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giao thông, môi trường, đồng thời không gây hại nhà dân và các công trình khác trên mặt đất,” ông Sơn cho biết. Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Dự án đường sắt đô thị sẽ đáp ứng nhu cầu bức xúc đi lại của người dân góp phần thiết thực giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Đồng thời đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng đặc biệt là giao thông công cộng là nhiệm vụ hàng đầu cho sự phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội, giải quyết những bức xúc đi lại hàng ngày của nhân dân Thủ đô.” Thủ tướng cũng yêu cầu việc thi công phải đúng tiến độ và thực hiện giám sát đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng công trình. Toàn tuyến sẽ đi qua 5 quận huyện là Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, theo lộ trình: Nhổn - Cầu Diễn - Mai Dịch - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám và kết thúc tại ga Hà Nội. Các nhà ga toàn tuyến được xây dựng sẽ sử dụng hệ thống soát vé tự động theo công nghệ soát vé bằng thẻ thông minh hoặc đồng xu. Đoàn tàu có 4 toa và cabin hai chiều với vận tốc tối đa đạt 80 km/h, thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến hết khoảng 20 phút, với công suất vận chuyển hành khách hơn 200người/toa. Mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được hơn 900 hành khách. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng như cầu cạn, cầu vượt đường và hầm ngầm để tàu đi cũng đã được nghiên cứu kỹ càng. Hành khách có thể tiếp cận các ga tại các đoạn đi cao hay ga ngầm. Đặc biệt trong các khu vực đô thị bó hẹp và đông đúc thì ưu tiên sử dụng phương án ga ngầm. Bãi tập kết toa xe được đặt phía Tây của tuyến tại Nhổn với diện tích 15ha bao gồm tổ hợp 17 tòa nhà với nhiệm vụ tập kết tàu, bảo dưỡng và điều chỉnh hệ thống vận hành của đường sắt đô thị. Dự án đường sắt đô thị đoạn từ Nhổn đến Ga Hà Nội sử dụng chủ yếu là vốn ODA và vốn đối ứng trong nước. Dự kiến, đến cuối năm 2015 dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng./.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, sẽ có năm tuyến đường sắt đô thị bao gồm: Tuyến số 1: Ngọc Hồi-Yên Viên-Như Quỳnh, phục vụ các khu vực ngoại thành phía Đông Bắc và Nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố. Tuyến số 2: Nội Bài-trung tâm thành phố-Thượng Đình là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Kết nối với tuyến số 2 sẽ là tuyến đường sắt Hà Nội-Hà Đông, bắt đầu từ khu vực Cát Linh đến Ba La. Tuyến số 3: Nhổn-Ga Hà Nội-Hoàng Mai nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và khu vực phía Nam. Tuyến số 4: Đông Anh-Sài Đồng-Vĩnh Tuy-Thanh Xuân-Từ Liêm-Thượng Cát-Mê Linh gắn kết với các dự án phát triển đô thị. Tuyến số 5: Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc theo hành lang Láng-Hòa Lạc. |
Mạnh Hùng (Vietnam+)