Sáng 13/4, tại Tòa nhà Liên hợp quốc ở Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển; Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động Chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam - hướng tới Hội nghị cấp cao toàn cầu về con người và môi trường - Stockholm+50.
Chuỗi tham vấn bao gồm một loạt hoạt động trên toàn quốc cho đến tháng 6 nhằm thu thập ý kiến của người dân Việt Nam gửi tới hội nghị toàn cầu về những thách thức mà con người và hành tinh đang phải đối mặt.
Năm 1972, lãnh đạo từ 113 quốc gia đã tụ họp tại Stockholm, Thụy Điển để tham dự hội nghị lần đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường, con người và đi đến kết luận các hoạt động của con người là yếu tố chính quyết định tương lai của chúng ta.
50 năm sau Hội nghị Stockholm đầu tiên, thế giới đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, bên cạnh các vấn đề nhức nhối khác, bao gồm cả đại dịch COVID-19.
[Giải pháp nào cho Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải?]
Năm 2022, để kỷ niệm 50 năm Hội nghị Stockholm 1972 và đẩy nhanh việc thực hiện nhằm đưa ra Chương trình nghị sự 2030, đạt được sự phục hồi bền vững từ COVID-19, trên cơ sở quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, chính phủ Thụy Điển và chính phủ Kenya sẽ phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta” để xác định những hành động cấp bách, cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài, bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện.
Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 2 và 3/6 ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển.
Phát biểu tại sự kiện, dẫn câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: “Tương lai là của chung. Chúng ta phải chia sẻ cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra tương lai,” Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe nhấn mạnh, câu nói ấy sau 50 năm vẫn còn nguyên giá trị.
Hội nghị Stockholm+50 hướng tới đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết.
Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cảnh báo thời gian không còn nhiều và những thách thức toàn cầu mà con người phải đối mặt cần được giải quyết bằng một nỗ lực tập thể và hành động của tất cả mọi người.
Hướng tới Stockholm+50, hàng loạt các hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân.
Việt Nam là một trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp tại Việt Nam.
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết các cuộc tham vấn quốc gia sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
“Các tham vấn sẽ thảo luận ba câu hỏi: Thứ nhất, các giải pháp dựa vào tự nhiên nào sẽ đổi chiều xu hướng môi trường nguy hiểm ở Việt Nam. Thứ hai, các hành động nào sẽ đảm bảo dịch chuyển năng lượng xanh và công bằng, tạo ra các cơ hội bền vững giúp hàng triệu người thoát nghèo. Và thứ ba, đâu là các hành động đòn bẩy sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giải quyết các mô hình tiêu dùng không bền vững khi Việt Nam nhận ra các tiềm năng kinh tế đầy đủ của mình,” bà Caitlin Wiesen phát biểu.
Khuyến nghị từ các cuộc tham vấn sẽ được tổng hợp thành Báo cáo của Việt Nam và góp phần định hình các thông điệp cho hội nghị toàn cầu Stockholm +50 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà loài người đang phải đối mặt.
Đáng chú ý, chuỗi tham vấn sẽ dành một phần lớn lấy ý kiến của giới trẻ. Một chuỗi tham vấn quốc gia với giới trẻ Việt Nam sẽ được triển khai để xây dựng một báo cáo nhằm đưa tiếng nói của giới trẻ tới các lãnh đạo quốc gia và toàn cầu.
Chia sẻ thông tin về hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng không.
Tại sự kiện, các đại biểu đã được xem bộ phim ngắn “Đưa Khủng long đến Đại hội đồng Liên hợp quốc” với nội dung kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động khí hậu cấp bách và quyết liệt hơn nữa, thông qua thông điệp cấp bách: Đừng chọn tuyệt chủng, hãy bảo vệ muôn loài trước khi quá muộn./.