Đến năm 2025, Việt Nam tái canh và cải tạo 107.000ha càphê

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, diện tích tái canh càphê giai đoạn đến năm 2025 khoảng 91.000ha; trong đó trồng tái canh 64.000ha, ghép cải tạo 27.000ha.
Đến năm 2025, Việt Nam tái canh và cải tạo 107.000ha càphê ảnh 1Càphê của tỉnh Đắk Nông sản xuất theo bộ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025, trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107.000ha càphê; trong đó, trồng tái canh 75.000ha, ghép cải tạo 32.000ha.

Năng suất vườn càphê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha càphê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5-2 lần so với trước khi tái canh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, diện tích tái canh càphê giai đoạn đến năm 2025 khoảng 91.000ha; trong đó trồng tái canh 64.000ha, ghép cải tạo 27.000ha.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích tái canh lớn nhất với 36.000ha, tiếp theo là Đắk Lắk 24.000ha, Đắk Nông 18.000ha, Gia Lai 11.000ha, Kon Tum 2.000ha.

Các tỉnh trồng càphê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 16.000ha, gồm trồng tái canh 11.000ha và ghép cải tạo 5.000ha.

Để đạt mục tiêu trên, ủy ban nhân dân các tỉnh trên sẽ hoàn chỉnh kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo càphê trên địa bàn; các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng tái canh và ghép cải tạo vườn càphê đăng ký kế hoạch với ủy ban nhân dân cấp xã và liên hệ với ngân hàng để vay vốn tái canh càphê.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giải pháp khoa học công nghệ được ưu tiên để nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê cho các đơn vị khoa học công nghệ thuộc Bộ và các địa phương.

Cụ thể là ngành sẽ nghiên cứu, chọn tạo các giống càphê mới thích hợp cho từng vùng sinh thái theo hướng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng cơ giới hóa khâu thu hoạch, rải vụ thu hoạch...

Ngành nông nghiệp cũng xây dựng hệ thống vườn giống đủ tiêu chuẩn tại các địa phương, đáp ứng đủ nhu cầu giống trồng tái canh và ghép cải tạo vườn càphê.

Cùng với đó là tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý nhà nước về giống càphê theo quy định của pháp luật để người trồng cà phê được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn, giá cả phù hợp.

Ngành nông nghiệp rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng tái canh và ghép cải tạo càphê phù hợp với từng vùng sinh thái, nâng cao tỷ lệ diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê thành công; từng bước nhân rộng diện tích càphê theo mô hình cảnh quan, phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Đến năm 2025, Việt Nam tái canh và cải tạo 107.000ha càphê ảnh 2Sản xuất càphê chất lượng cao ở Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Các đơn vị, địa phương tuyên truyền, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng tái canh và ghép cải tạo càphê cho người sản xuất.

Các chính sách hỗ trợ tái canh càphê bao gồm: tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất.

Các địa phương, doanh nghiệp có thể ban hành các chính sách mới như: gói tín dụng hỗ trợ tái canh cà phê; hỗ trợ đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trồng tái canh càphê; hỗ trợ cây giống, chồi giống trồng tái canh và ghép cải tạo càphê.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thúc đẩy các biện pháp hợp tác với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ vay vốn ODA thực hiện trồng tái canh và ghép cải tạo càphê với lãi suất thấp; tăng cường hợp tác công tư trong khâu trồng, chế biến, tiêu thụ càphê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục