Qua nhiều biến động về kinh tế, chính trị thế giới, lãi suất ngân hàng tăng, thu nhập chững lại, lạm phát kéo dài khiến cho người tiêu dùng phải cân nhắc trong chi tiêu.
Điều này dẫn tới nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu, giá xuất khẩu đều phải giảm xuống đáng kể.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hàng tôm, con tôm Ecuadore bán 1,2 USD/kg đã thu được lợi nhuận; trong khi đó, con tôm của Việt Nam bán ra với giá 5 USD/kg mới thu được lợi nhuận. Điều này cho thấy tôm giống đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất, tỷ lệ hao hụt trước sự biến động tăng giá vật tư đầu vào cho nghề nuôi tôm trong nước.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), chia sẻ giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Nhìn từ góc độ nhà chế biến, Việt Nam có cơ sở sản xuất tôm giống rất lớn, tuy nhiên, trong số hơn 2.000 trại giống nuôi, chỉ có hơn một nửa trại giống đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận.
Trên thực tế, còn rất nhiều cơ sở tôm giống chưa đủ tiêu chuẩn nuôi trồng, sản xuất theo quy định, nhưng vẫn đưa nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng vào nuôi trồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng hàng xuất khẩu. Vấn đề truy suất nguồn gốc đối với tôm giống cần phải được quan tâm, để đảm bảo nguồn tôm có chất lượng.
Là đơn vị cung ứng tôm giống cho khu vực miền Trung và cả các vùng nuôi tôm phía Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung, cho rằng có 3 vấn đề đặt ra của ngành tôm lúc này là làm sao nâng cao tỷ lệ thành công trong nuôi tôm với việc kiểm soát chất lượng thật tốt, kiểm soát giá thành sản phẩm, kiểm soát tiêu chuẩn con tôm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
[Giải quyết những thách thức ngành hàng tôm đang phải đối mặt]
"Với ngành tôm giống, khả năng sinh lời là điều khó nói. Trên thực tế, tỷ lệ giá trị của tôm giống chỉ chiếm từ 5-7% giá thành trong một vụ nuôi thành công, nhưng nó lại quyết định nhiều chục phần trăm trong cấu thành sự thành công của một vụ nuôi. Hiện nay, báo cáo về tôm giống của Việt Nam chưa đúng, thống kê chưa đúng, dẫn đến ai cũng nhìn trên mây. Chỗ nào cũng nói sản xuất con giống chủ động tốt nhưng tại sao ngành tôm không tốt? Đấy là câu hỏi đặt ra, chúng ta sai từ số lượng tôm giống, đến việc nhận định sản xuất tôm giống. Từ đó, chuyển tải quy hoạch chưa đúng, quy hoạch tràn lan," ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho rằng vấn đề hết sức cơ bản hiện nay đối với con giống là nâng cao tỷ lệ nuôi thành công. Các trại cung ứng giống phải bảo đảm con giống sạch bệnh và cơ quan chức năng phải kiểm soát tôm giống chất lượng thấp không “trôi nổi” trên thị trường. Không phải dồn cái khó cho mắt xích cung ứng con giống, nhưng bây giờ vai trò con giống trở thành quá quan trọng.
Cũng theo ông Lực, việc nuôi tôm đang gặp khó, khó khăn đầu tiên là tôm nhiễm bệnh sớm. Nhiều phân tích cho thấy khác với trước đây, tôm có thể nhiễm bệnh từ tôm bố mẹ. Từ đó, làm giảm tỷ lệ nuôi thành công, người nuôi chùng tay thả giống. Liền ngay sau đó, giá tôm thương phẩm giảm giá mạnh liên tục, có thể đã tới mức 30%, nghĩa là vượt qua mức lãi nếu nuôi trúng vụ, có nghĩa là nuôi tôm thu hoạch trung bình là cầm chắc lỗ.
Giúp tôm Việt Nam trở mình trước những sa sút của nửa đầu năm nay không chỉ riêng về khâu tập trung nguồn giống tốt, mà còn cần triển khai nhiều biện pháp đồng bộ về quản lý vùng nuôi, tranh thủ nắm bắt thị trường và cả nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, dựa vào sự tiêu thụ của các thị trường, cũng như các điều kiện văn hóa lễ hội của các quốc gia, Mỹ và Trung Quốc là hy vọng cho con tôm Việt trong những tháng cuối năm nay.
Hiện nay, các kho lạnh nơi thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu vơi dần, các nhà nhập khẩu, bán lẻ, bán buôn của Mỹ sẽ bắt đầu xem xét việc tăng nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn, và có vẻ như giá tôm đã tạo đáy. Mức tiêu thụ tôm cho các lễ hội cuối năm cũng dự kiến tăng. Nguồn cung tàu vào container đang ở trạng thái thuận lợi.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm nay đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ, nhưng tháng 6 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 19% đạt 59 triệu USD.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để có thể hỗ trợ ngành chế biến, xuất khẩu tôm trong giai đoạn cuối năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng kể từ cuối tháng 7/2023 đến ngày 30/6/2024, lãi suất thấp hơn lãi suất tối thiểu từ 1-2%/năm so với lãi suất cho vậy bình quân cùng kỳ hạn.
Các ngân hàng thương mại, có thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ. Đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực nuôi trồng chế biến thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.
Chương trình hỗ trợ nguồn vốn 15.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản được dùng bằng nguồn vốn huy động của 12 ngân hàng cho vay theo cơ chế thương mại thông thường.
Việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay từ 1-2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các doanh nghiệp dễ thở hơn. Các doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu mua nguyên liệu, giúp ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến, trữ hàng phục vụ xuất khẩu cho các quý tiếp theo. Điều này vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu hồi phục sức mua.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong cơ quan chức năng chung tay có giải pháp hỗ trợ khơi thông thị trường đầu ra và các chính sách phải được áp dụng đồng bộ. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản mới tiếp cận được gói hỗ trợ để được tiếp thêm sức vượt qua thời điểm khó khăn này.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết vào cuối quý 2 vừa qua, trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới, ngành thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu từ 11 tỷ USD xuống 10 tỷ USD, thậm chí có kịch bản tính tới chỉ còn 9 tỷ USD, giảm thị phần vào Mỹ và tăng cường đẩy hàng sang châu Âu, Trung Quốc. Căn cứ vào ngành hàng, căn cứ tín hiệu thị trường để thúc đẩy xúc tiến thương mại, để về đích. Đây cũng là một trong những cách để giảm áp lực cho ngành tôm về đích trong năm nay./.