Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm

Ngày 24/3, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối với tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2023.
Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm ảnh 1Lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ven biển ký “Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2023”. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 24/3, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối với tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2023.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp của 26 tỉnh, thành ven biển và các doanh nghiệp nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh, thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2023, ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá các loại vật tư có thể tiếp tục tăng.

Hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 32,9%; trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 54,9%. Bên cạnh đó, do thời tiết lạnh kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn sớm, xảy ra ngay từ các tháng đầu năm 2023 đã làm bất lợi cho tôm nuôi. Đặc biệt, dịch bệnh bùng phát đang gây khó khăn cho sản xuất.

Trong bối cảnh đó, năm nay ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích thả nuôi là 750.000 ha; sản lượng là 1.080 nghìn tấn. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 - 270.000 con; tôm giống cần khoảng 140 - 150 tỷ con. Do đó, việc quản lý tôm giống đảm bảo chất lượng, an toàn với bệnh dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm.

Để làm tốt mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, tổ chức sản xuất lại theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở tôm giống nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; ban hành hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ phù hợp theo đặc thù của từng khu vực, tăng cường quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan thuộc Bộ như các viện nghiên cứu, Cục Thú y… cần chú trọng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong khâu chọn tạo giống, chuyển giao các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở, hộ nuôi; thường xuyên kiểm soát chất lượng tôm nhập khẩu và kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng tại các cơ sở; kiểm soát tốt dịch bệnh trên giống tôm trước khi cung cấp đến hộ nuôi… để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu theo quy định.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau hội nghị quản lý giống và ký Quy chế phối hợp năm 2022, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thủy sản đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương cử cán bộ tham gia thực hiện quy chế phối hợp.

Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm ảnh 2Mô hình nuôi tôm nước lợ được Công ty TNHH Moana Ninh Thuận đưa đến giới thiệu tại hội nghị. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Trên cơ sở đó, Tổng cục lập nhóm Zalo gồm lãnh đạo và chuyên viên các địa phương để trao đổi thông tin về quản lý tôm giống nhằm phối hợp quản lý chặt chẽ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm.

Tổng cục Thủy sản cũng phối hợp với Cục Thú y công khai số lượng tôm nước lợ nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu trên nhóm Zalo. Một số tỉnh đã thông báo các lô tôm xuất tỉnh cho các địa phương mua giống trên website, qua nhóm Zalo và cùng trao đổi thông tin hai chiều về chất lượng (theo ngày), số lượng (theo tuần) tôm nhập tỉnh.

Nhiều địa phương cũng đã chủ động trao đổi thông tin về tình hình sản xuất, mua bán và quản lý chất lượng giống với các địa phương khác; qua đó tổ chức thăm quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm mô hình quản lý chất lượng tôm giống để nâng cao hiệu quả nuôi.

[Bến Tre phát triển sản xuất giống tôm biển chất lượng cao]

Hiện cả nước có trên 2.100 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt trên 160 tỷ con (tăng 10% so với năm 2021). Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định) với 687 cơ sở sản xuất, ương dưỡng (chiếm 32,6% số cơ sở), sản lượng đạt 72,3 tỷ con (chiếm 45,2% sản lượng của cả nước). Riêng tỉnh Ninh Thuận, sản lượng tôm giống đạt 39 tỷ con (chiếm 24,4% sản lượng của cả nước).

Quản lý tôm giống quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm ảnh 3Ao nuôi tôm nước lợ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo đánh giá của của Tổng cục Thủy sản, sản xuất nuôi tôm năm 2022 đạt kết quả rất khả quan, sản lượng nuôi tôm nước lợ các loại đạt trên 1.080 nghìn tấn (tăng 8,5% so với năm 2021); trong đó sản lượng tôm sú đạt trên 271 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt trên 743 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác.

Hàng năm, tôm nước lợ đóng góp từ 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản (tương đương 3,5 - 4 tỷ USD); trong đó tôm giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, quyết định phần lớn sự thành công và hiệu quả sản xuất.

Thời gian qua, Tổng cục Thuỷ sản cũng đã kiểm tra và cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 17 cơ sở ương dưỡng giống thuỷ sản bố mẹ và tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện 17/17 cơ sở đã tới thời hạn kiểm tra (đạt 100%); trong đó có 6 cơ sơ sản xuất, ương dưỡng tôm bố mẹ.

Các địa phương cũng đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho 1.163/2.104 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống (chiếm 55,3%) và tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện 100% số cơ sở tới thời hạn kiểm tra.

Tuy nhiên trong thời gian qua, việc quản lý vùng nuôi, ương dưỡng giống nuôi, nhất là việc kiểm soát chất lượng tôm giống, việc nuôi tôm nước lợ… còn nhiều bất cập, chưa tổ chức được nhiều đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh tôm giống chưa được xử lý triệt để.

Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng còn chậm trong triển khai kiểm tra cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống theo quy định của Luật Thuỷ sản.

Nguyên nhân chính là do cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống quy mô còn nhỏ, không đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh; cơ sở vật chất như hệ thống xử lý nước cấp, nước thải không đáp ứng; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu chưa tách biệt; chưa xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học…

Kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn rất hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (90% đối với tôm thẻ chân trắng) và khai thác từ tự nhiên (40% đối với tôm sú). Trong nước mới cung cấp được một phần, dẫn đến sản xuất tôm giống bị lệ thuộc.

Vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch…

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, giống nuôi là vấn đề lo lắng nhất của người nuôi tôm. Bởi trong thời gian qua, tôm giống kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát, kiểm dịch tốt khi xuất và vận chuyển; việc quản lý sản xuất tôm giống còn lỏng lẽo, không có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá chất lượng; việc quy hoạch vùng nuôi còn tràn lan.

Cùng với việc không đủ lượng tôm giống chất lượng để nuôi đã dẫn đến việc người nuôi tranh mua nuôi, người bán tranh bán và hệ lụy là khi thả nuôi thì tôm bị mắc nhiều bệnh, không thể cứu vãn dẫn đến người nuôi thua lỗ nặng, môi trường nước ô nhiễm làm lây lan sang vùng nuôi khác.

Tại hội nghị, với sự chứng kiến của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các địa phương đã ký “Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2023”, nhằm tăng cường quản lý, chia sẻ thông tin, góp phần hạn chế tôm giống không đảm bảo chất lượng lưu thông đến các vùng nuôi trọng điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục