Phát triển bền vững ngành tôm tại các tỉnh duyên hải miền Trung

Tính đến tháng 10/2022, tổng diện tích nuôi tôm của cả nước ước đạt 717.000ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 845.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD
Phát triển bền vững ngành tôm tại các tỉnh duyên hải miền Trung ảnh 1Công nhân thực hiện phân loại kích cỡ tôm trong các nhà máy chế biến thủy sản. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Ngày 8/12, tại thành phố Huế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo "Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững tại một số tỉnh duyên hải miền Trung."

Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và người nuôi tôm đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, định hướng và đề xuất nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành tôm tại các tỉnh duyên hải miền Trung.

Đa số đại biểu cho rằng, nghề nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh duyên hải miền Trung vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế về tự nhiên, khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất và các chính sách đầu tư của nhà nước.

[Chuyên gia: Con tôm Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu]

Quá trình phát triển còn nhiều tồn tại, bất cập như tổ chức sản xuất nhỏ lẽ, phân tán; mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế; việc liên kết, hợp tác giữa tổ chức, cá nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc; chất lượng tôm chưa đáp ứng các thị trường nhập khẩu lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất...

Bên cạnh đó, hiện tượng ô nhiễm môi trường, tác động biến đổi khí hậu đang là thách thức rất lớn trong sản xuất hiện nay.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng cho rằng, mô hình nuôi tôm tại các tỉnh miền trung vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẽ; việc quản lý con giống, dịch bệnh, môi trường chưa được chặt chẽ.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tích cực tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ bền vững cho cán bộ khuyến nông và bà con tại các tỉnh miền Trung; trong đó tập trung vào công nghệ bán thâm canh, thâm canh và ứng dụng chế phẩm sinh học để quản lý môi trường nuôi tôm; xây dựng và nhân rộng cá mô hình mẫu về nuôi tôm nước lợ bền vững.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần tổ chức lại sản xuất, quy hoạch vùng nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo mùa vụ; chú trọng các khâu về truy xuất nguồn gốc để tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo nhu cầu xuất khẩu.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Phước, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho biết để nuôi tôm phát triển bền vững và hiệu quả cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý, công nghệ và nâng cao nhận thức kỹ thuật cho người nuôi.

Cụ thể, cần phải có những giải pháp quản lý mạnh mẽ về sản xuất giống và đảm bảo chất lượng con giống, bởi con giống là yếu tố then chốt quyết định đến sản lượng. Bên cạnh đó, cần đầu tư về cơ sở hạ tầng, làm tốt cần làm tốt khâu quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh thủy sản để đưa thông tin sớm cho người dân ứng phó với những thay đổi trong môi trường và dịch bệnh.

Về phía người dân, cũng cần chủ động trong công tác kiểm dịch nguồn giống trước khi thả nuôi; sử dụng thức ăn và chế phẩm sinh học hợp lý giúp hạn chế chất thải, ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao năng suất trong vụ nuôi.

Những năm qua, nghề nuôi tôm đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển trên cả nước.

Tính đến tháng 10/2022, tổng diện tích nuôi tôm của cả nước ước đạt 717.000 ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 845.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục