Không buông lỏng quản lý trong phát triển nhà ở xã hội ở Hà Nội

Không chỉ khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại Hà Nội thời gian qua vẫn chưa được các đơn vị chức năng quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong dư luận.
Không buông lỏng quản lý trong phát triển nhà ở xã hội ở Hà Nội ảnh 1Dự án nhà ở xã hội Đồng Mồ-Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội đã được chú trọng đầu tư cả về quy mô và chất lượng, góp phần chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân.

Hiện Hà Nội đã vượt mục tiêu đề ra về tổng diện tích nhà ở giai đoạn 2016-2020 với diện tích nhà ở bình quân đạt 27,25 m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở đạt 224,73 triệu m2.

Tuy nhiên, với loại hình nhà ở xã hội, đến nay, Hà Nội mới đạt 1,25 triệu m2 sàn với 12.659 căn hộ. Trong khi đó, kế hoạch là đầu tư xây dựng là 6,22 triệu m2.

Để đáp ứng nhu cầu còn rất lớn của người dân, cùng với việc đẩy mạnh triển khai các dự án đã được phê duyệt đầu tư, Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng siết chặt khâu quản lý và sử dụng loại hình nhà ở này, tránh tình trạng lợi dụng ưu đãi từ chính sách.

Nhiều tồn tại, bất cập

Không thể phủ nhận trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng còn khó khăn.

Song, thực tế triển khai cho thấy chính sách phát triển nhà ở xã hội (dành cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên) vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ.

Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, trong khi nếu vay thương mại, chi phí xây dựng sẽ rất lớn.

Nếu so với giai đoạn trước năm 2016, số dự án nhà ở xã hội giảm rất nhiều. Một số dự án hoàn thành nhưng lại xa trung tâm nên rất khó bán mặc dù nhu cầu của đa số người dân vẫn còn rất lớn.

Không chỉ khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại Hà Nội thời gian qua vẫn chưa được các đơn vị chức năng quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong dư luận.

Qua kiểm tra, giám sát, Sở Xây dựng Hà Nội và Ủy ban Nhân dân các quận huyện đã phát hiện nhiều chủ đầu tư và người dân vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội. Cụ thể, nhiều trường hợp được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng.

Đặc biệt, không ít chủ đầu tư và khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ và sử dụng không đúng mục đích như: cải tạo đập thông 2 căn hộ, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng...

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác từ chủ đầu tư do chưa thực hiện tốt việc giám sát đối tượng sau khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Điển hình tại Dự án nhà ở xã hội 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư, ngay sau khi bàn giao cho khách hàng đã có tình trạng cải tạo, đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích.

[Các địa phương cần kiểm tra việc bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội]

Những trường hợp vi phạm này đã bị lập biên bản, xử lý kịp thời. Điều đáng nói ở dự án này là sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng, hàng trăm căn hộ ở đây mới được cấp "sổ hồng" do những vi phạm từ phía chủ đầu tư.

Sự chậm trễ này đã gây bức xúc và lo lắng cho người dân suốt nhiều năm qua, nhất là những hộ có nhu cầu chuyển đổi chỗ ở mới theo quy định của pháp luật cho phép.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp cho ở nhờ, thuê lại hoặc không sử dụng như Khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 (thuộc Khu đô thị Quốc Oai) có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp…

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2018, một số dự án lập dự toán theo phương án tính giá bán sai khối lượng, đơn giá như: dự án khu nhà ở Gia Quất, phường Thượng Thanh (quận Long Biên) 13,1 tỷ đồng; dự án 5B2 lô đất ký hiệu 5.B2, 5.B4, 5.B5 thuộc khu tái định cư Đông Hội (huyện Đông Anh) 16,2 tỷ đồng; dự án ở ô đất B8.NXH thuộc quy hoạch chi tiết Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội 103,9 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê ô đất N04 và một phần ô đất N03 (ký hiệu N03B) 20,9 tỷ đồng; dự án tại ô đất ký hiệu N05 là 7,2 tỷ đồng…

Siết quản lý, tránh trục lợi chính sách

Cùng với việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về quản lý, sử dụng, kinh doanh nhà ở xã hội đang tồn tại nhiều vấn đề; trong đó, có việc buông lỏng quản lý của một số đơn vị chức năng và chính quyền địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm này, mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025."

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025."

Theo kế hoạch, giai đoạn này, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; trong đó sẽ ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư và các cấp chính quyền kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Đặc biệt, đơn vị chủ đầu tư phải đảm bảo xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua.

Sau khi ký hợp đồng bán, cho thuê ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình; đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành, công an theo dõi địa bàn về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với các hộ dân sinh sống trong nhà chung cư để tổ chức kiểm tra, theo dõi.

Không buông lỏng quản lý trong phát triển nhà ở xã hội ở Hà Nội ảnh 2Khu nhà ở xã hội Ecohome 1. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và Sở Xây dựng tăng cường sự phối hợp giữa nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ.

Trách nhiệm chính của việc giám sát thuộc về Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội. Mặt khác, quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì nhà ở xã hội cũng phải thực hiện theo đúng quy định.

Đề cập đến vấn đề xử lý sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, một số chuyên gia cho rằng để phục vụ nhu cầu của những người có thu nhập thấp, người nghèo trong xã hội, loại hình nhà ở này được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước về tiền thuế, tiền sử dụng đất, vay vốn lãi suất thấp. Vì vậy, trong quá trình kinh doanh, quản lý, sử dụng cả chủ đầu tư và người dân vi phạm cần có chế tài phạt mạnh.

Tuy nhiên, trách nhiệm ở đây không chỉ riêng chủ đầu tư, người dân mà chính quyền địa phương cũng phải thường xuyên giám sát, xử lý để không xảy ra tình trạng vi phạm tiếp diễn.

"Cơ quan quản lý nhà nước cấp quận, huyện, thanh tra xây dựng phải tiến hành kiểm tra thực tế, những dự án đủ điều kiện thì cho phép vận hành; những dự án xây dựng lên nhưng không bán được cũng phải chủ động đề xuất phương án để cấp trên xem xét nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trên thực tế, có một số dự án nhà ở xã hội không có người mua do vị trí xa trung tâm, gây lãng phí tài sản xã hội," một chuyên gia kiến nghị.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Huy Ánh thuộc Hội Kiến trúc sư Hà Nội phân tích xây dựng nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, vì thế không thể để chính sách này bị trục lợi.

Các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp cơ sở phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nhằm tăng tính răn đe, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi, gây ra hệ lụy cho công tác quản lý.

"Tất cả những sai phạm đều phải xử lý bình đẳng theo quy định của pháp luật, nhất là những người thực thi pháp luật có biểu hiện không công bằng, bao che, không xử lý dứt điểm sai phạm," ông Ánh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục