"Không nên lấy một lúc toàn bộ học sinh ra để làm thí điểm"

Về kỳ thi Quốc gia vừa qua, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng không nên lấy một lúc toàn bộ học sinh ra để làm thí điểm, cần thấy được nguyên tắc “Học gì thi nấy” chứ không phải là “Thi gì học nấy."
"Không nên lấy một lúc toàn bộ học sinh ra để làm thí điểm" ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Các đại biểu dự hội thảo nhận định nội dung truyền thông phải lựa chọn một số vấn đề trọng tâm nhất là đối với với thế hệ trẻ, sử dụng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao đạo đức của thầy, trò, văn hóa ứng xử. Việc truyền thông phải xuất phát từ yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo chứ không phải là tuyên truyền về thành tích.

Giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nêu rõ Đảng và Nhà nước đã có những đường lối, chính sách nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Các Nghị quyết đã đề ra mục tiêu khá cụ thể nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam.

Tuy nhiên, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng nội dung giáo dục phổ thông phải đảm tính liên thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp tăng tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức xã hội và nhân văn. Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc nhóm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.

Quan tâm đặc biệt đến kỳ thi Quốc gia vừa diễn ra, giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng không nên lấy một lúc toàn bộ học sinh ra để làm thí điểm, cần thấy được nguyên tắc “Học gì thi nấy” chứ không phải là “Thi gì học nấy.” Việc thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn tất yếu dẫn đến việc học lệch của hàng triệu học sinh ngay từ cấp trung học cơ sở. Thầy cô dạy các môn phụ sẽ không còn hào hứng khi giảng dạy. Học sinh sẽ thiếu hụt kiến thức khi vào đời vì đã thờ ơ với các môn học phụ.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng nêu quan điểm xuất phát từ yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nên cần thiết phải xây dựng đề án truyền thông này. Đề án cần xác định rõ mục đích, đồng thời cần bổ sung làm rõ những điều kiện đảm bảo việc thực hiện, trong đó nhấn mạnh rõ những điều kiện chủ quan của ngành giáo dục và điều kiện khách quan của xã hội mà trước hết cần đổi mới bản thân ngành giáo dục.

Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục và môi trường, nội dung truyền thông phải lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, sử dụng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao đạo đức của thầy-trò, tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử nhất là đối với thế hệ trẻ. Về đạo đức cần có các phương tiện truyền thông nhằm góp phần khắc phục những điểm yếu phổ biến, như: không trung thực, muốn hưởng mà không muốn làm, thực dụng cào bằng, không muốn có người giỏi hơn.

Giáo sư Phạm Thị Trân Châu nhấn mạnh việc truyền thông cần hướng tới việc đa dạng hóa để hướng nghiệp theo đúng năng lực, sở trường, coi trọng rèn luyện kỹ năng sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục