"Không ngại va chạm bảo đảm thành công Đề án 30"

Bài viết của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc về những kinh nghiệm đút rút khi Đề án 30 vào giai đoạn quyết định, hứa hẹn thành công.
Đề án 30 đang bước vào giai đoạn nước rút, hứa hẹn mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, xã hội.

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 25/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên. Theo tính toán, việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên giúp cắt giảm trên 5.700 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của cá nhân và tổ chức mỗi năm.

Như vậy, lợi ích tiềm năng của việc đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính còn lại còn lớn hơn rất nhiều, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, nếu chúng ta đưa ra được các phương án cải cách tích cực, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý của nhà nước.

Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ một cách triệt để, theo hướng cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng một môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Tháng 10/2009, giai đoạn 1 của Đề án 30 đánh dấu sự thành công bằng việc lần đầu tiên sau 64 năm thành lập nước, Thủ tướng ấn nút công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính ở bốn cấp chính quyền trên mạng Internet.

Từ cuối năm 2009, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác chuyên trách công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành giai đoạn 2 rà soát các thủ tục hành chính. Đến nay, toàn bộ 63 địa phương và 24 bộ, ngành đã hoàn thành xong giai đoạn 2 của Đề án 30 một cách cơ bản, đáp ứng được yêu cầu do Thủ tướng đề ra.

Các bộ, ngành đã rà soát 5.565 thủ tục hành chính, trong đó đề xuất bãi bỏ 453 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 3.749 thủ tục, thay thế 288 thủ tục. Tỷ lệ kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính trung bình của các bộ, ngành chiếm 81%, của các địa phương chiếm 66%.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, hầu hết đã đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Theo tính toán sơ bộ của các bộ, ngành, sẽ giảm được gần 30.000 tỷ đồng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong một năm cho người dân và doanh nghiệp. Đây là tiền đề thuận lợi để chuẩn bị cho giai đoạn 3 thực thi các phương án đơn giản hóa sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp

Bên cạnh tiến trình rà soát chung của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đã giao 18 bộ, ngành, 6 địa phương và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính rà soát 258 thủ tục hành chính ưu tiên. Đây là những thủ tục liên quan trực tiếp và có tác động lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Việc lựa chọn các thủ tục ưu tiên căn cứ vào kết quả khảo sát cũng như tham vấn trực tiếp người dân và doanh nghiệp. Tổ công tác chuyên trách đã trực tiếp tiến hành rà soát độc lập các thủ tục hành chính này trên cơ sở tham vấn chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương cũng như các cá nhân và tổ chức có liên quan. Theo tính toán, chỉ với việc đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính này đã giúp cắt giảm trên 5.700 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và doanh nghiệp.

Kết quả trên đạt được là nhờ sự nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành có liên quan trong việc mạnh dạn đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình, cũng như việc sẵn sàng tiếp thu các phương án cải cách mạnh mẽ do Tổ công tác chuyên trách đề xuất.

Trong tổng số 258 thủ tục hành chính được đơn giản hóa, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 22 thủ tục hành chính, Bộ Y tế 18, Ngân hàng Nhà nước 15, Bộ Công an 10, Bộ Giao thông vận tải 7...

Đặc biệt, Bộ Tài chính có nhiều thủ tục được đơn giản nhất gồm 61 thủ tục hành chính, trong đó có 41 thủ tục thuộc lĩnh vực hải quan và 20 thủ tục thuộc lĩnh vực thuế. Sau khi đơn giản hóa, các thủ tục này sẽ đóng góp làm thay đổi môi trường kinh doanh, đầu tư và đời sống nhân dân theo hướng tích cực hơn.

Phát huy mô hình hợp tác công-tư trong cải cách thủ tục hành chính

Hiện nay, Tổ công tác chuyên trách đang đánh giá, phân tích kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương và nghiên cứu ý kiến tham gia đóng góp của người dân và doanh nghiệp để xây dựng phương án đơn giản hóa độc lập đối với trên 5.000 thủ tục hành chính còn lại.

Trong tháng 7, Tổ công tác chuyên trách sẽ tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn với các bộ, ngành, cá nhân và tổ chức về phương án đơn giản hóa của các thủ tục hành chính này. Dự kiến cuối tháng 7, Tổ công tác chuyên trách sẽ hoàn thành việc xây dựng 24 dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phương án đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của 24 bộ, ngành, để gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ nói trên trong một thời gian rất ngắn, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tổ công tác chuyên trách đã huy động trên 100 chuyên gia từ các bộ, ngành, 50 luật sư từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, 50 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác cùng với 50 cán bộ của Tổ công tác chuyên trách, tổ chức thành 14 nhóm nghiên cứu thực hiện việc rà soát độc lập trên 5.000 thủ tục hành chính.

Nếu các phương án đơn giản hóa này được Chính phủ thông qua, hàng loạt các văn bản quy định về thủ tục hành chính từ luật đến pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng, Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng, quyết định của Ủy ban Nhân dân các cấp sẽ phải được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

Bên cạnh yêu cầu bảo đảm nhiệm vụ quản lý nhà nước, mục tiêu cuối cùng của đề án là đưa ra những phương án tốt nhất, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Kinh nghiệm rà soát 258 thủ tục hành chính ưu tiên trong thời gian qua cho thấy ý kiến đóng góp quý báu từ phía người dân và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Quyết tâm chính trị, cách làm đúng và sự vào cuộc không ngại va chạm


Đề án 30 đang đi vào giai đoạn có ý nghĩa quyết định. Qua tham khảo, so sánh với các kinh nghiệm quốc tế về cải cách thể chế, Việt Nam đã có những bước đi vững chắc, đúng hướng trong công cuộc cải cách thể chế thông qua việc thực hiện Đề án 30.

Bài học thành công của Đề án 30 đến thời điểm hiện tại có nhiều nét tương đồng với các thực tiễn tốt trong kinh nghiệm chung về cải cách thể chế của thế giới; đồng thời có những nét mới, sáng tạo như kinh nghiệm tăng cường giám sát, đôn đốc và hướng dẫn việc triển khai thực hiện; kinh nghiệm vận dụng các thực tiễn tốt của thế giới nhằm phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo đánh giá của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, thành công của Đề án 30 tại Việt Nam sẽ là những kinh nghiệm tốt về cải cách thể chế cho nhiều quốc gia. Kinh nghiệm của Croatia và Ai Cập trong việc cải cách thể chế những năm gần đây cho thấy những nỗ lực cải cách của các quốc gia này đã mang lại kết quả vượt qua biên giới quốc gia.

Báo cáo Triển vọng kinh tế 2008 xếp Croatia đứng thứ 2 toàn cầu về cải cách tốt nhất. Croatia chỉ đứng sau Ai Cập vốn là nước đã học tập kinh nghiệm cải cách từ Croatia. Thực tế đó cho phép chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ sớm cải thiện đáng kể vị trí thứ 93 của mình trong bảng xếp hạng này.

Quá trình triển khai việc rà soát 258 thủ tục hành chính ưu tiên cho chúng ta thấy nhiều kinh nghiệm có thể đúc rút. Quyết tâm chính trị là yếu tố tiên quyết bảo đảm thành công cho mọi quá trình cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công. Quyết tâm chính trị đó không chỉ ở cấp trung ương mà phải được quán triệt thông suốt đến mọi cấp ngành, địa phương để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Cơ quan điều phối đề án phải được trao trách nhiệm và quyền hạn, có vị thế tương đối độc lập để có thể đưa ra những ý kiến khách quan, thẳng thắn. Quá trình rà soát độc lập 258 thủ tục hành chính ưu tiên cho thấy không phải lúc nào Tổ công tác chuyên trách cũng dễ dàng đạt được sự thống nhất về phương án đơn giản hóa với các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Vì vậy, nếu không có được vị thế độc lập, chất lượng của các phương án đơn giản hóa khó có thể được đảm bảo.

Phải tạo được lòng tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để họ tích cực đóng góp ý kiến cho đề án. Muốn vậy, cần phải chú trọng quá trình tham vấn cởi mở và thực chất để các đối tượng chấp hành thủ tục hành chính thấy rõ được quyết tâm của cơ quan công quyền mong muốn chấm dứt tình trạng quan liêu, rườm rà không cần thiết của các loại thủ tục hành chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục