Không phải cuộc chiến thương mại, Trung Quốc cấp bách nhất vấn đề nào?

Liệu cuộc chiến thương mại có phải là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc hay không? Hay quốc gia này còn có những vấn đề cấp bách hơn?
Không phải cuộc chiến thương mại, Trung Quốc cấp bách nhất vấn đề nào? ảnh 1Đồng tiền giấy 100 nhân dân tệ (trái) và đồng USD ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Trang mạng abc.net.au đưa tin đã vài tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump "nổ phát súng" đầu tiên mở màn cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng việc áp một loạt thuế đối với nhiều mặt hàng do quốc gia này sản xuất.

Bắc Kinh trả đũa bằng các khoản thuế tương tự, và từ đó, các bình luận gay gắt liên tục được hai phía không ngần ngại tung ra.

Hầu hết dư luận chú ý tới phản ứng lo lắng của các thị trường tài chính và những ảnh hưởng của cuộc chiến đối với người nông dân và các nhà sản xuất của Mỹ.

Tuy nhiên, mọi chuyện nhìn từ phía Trung Quốc sẽ như thế nào? Liệu cuộc chiến  thương mại có phải là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc hay không? Hay quốc gia này còn có những vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn như khối nợ công khổng lồ?

“Vạn lý Trường thành nợ” của Trung Quốc

Dinny McMahon, người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm đưa tin về các vấn đề Trung Quốc của tờ Wall Street Journal, cho rằng dù Bắc Kinh rõ ràng không hề muốn cuộc chiến thương mại này nổ ra, song cuộc chiến này khó có khả năng tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Lý do là bởi nền kinh tế này không còn lệ thuộc vào xuất khẩu. McMahon nói: “Năm 2007, ngành xuất khẩu đóng góp tới 9% GDP của Trung Quốc. Con số này trong năm ngoái thấp hơn, chỉ còn 2%. Xuất khẩu không còn là tất cả đối với nền kinh tế Trung Quốc như nó đã từng.”

Ngoài ra, ông cho biết Mỹ chỉ chiếm 19% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017.

[Đâu là hồi kết của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung]

Ông nói thêm: “Vì vậy… xung đột thương mại với Trung Quốc có lẽ không phải là đòn trừng phạt hiệu quả như những gì Donald Trump nghĩ.”

Rắc rối lớn đối với Trung Quốc, theo McMahon, chính là tại thời điểm hiện nay, nước này không phải chỉ đối mặt với mỗi cuộc chiến thương mại (với Mỹ), mà còn phải đối mặt với "núi" nợ công và các "thành phố ma."

Trung Quốc phải đối mặt với “núi nợ công” gia tăng nhanh chóng trong suốt một thập kỷ qua, khi nền kinh tế này nỗ lực vươn lên hàng phát triển của thế giới.

McMahon nói: “Từ năm 2008, núi nợ công của Trung Quốc đã bắt đầu lớn dần lên do các khoản vay và chi tiêu vô độ… (nợ) thậm chí còn lớn hơn cả của Mỹ.”

Theo McMahon, vấn đề lớn nhất không phải là khối nợ mà chính là tốc độ gia tăng của nó. Ông cho biết khoảng một thập kỷ trước, khối nợ công của Trung Quốc tương đương 160% GDP song “hiện tại nó ở vào khoảng từ 280-300%.”

Tốc độ gia tăng nợ công này "hầu hết đều dẫn đến kết quả là một cuộc khủng hoảng tài chính. Mọi chuyện giống như ở Mỹ trước cuộc đại khủng hoảng, hay ở Thái Lan trước khủng hoảng tài chính châu Á."

Phần lớn các khoản tiền Trung Quốc vay từ các ngân hàng nhà nước đều được đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Một số dự án rất hữu dụng, song sự bùng nổ vô tội vạ của các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo ra không ít “thành phố ma.”

Hạ tầng cho các thành phố này được xây dựng mới hoàn toàn để phục vụ những người dân chuyển từ nông thôn lên thành phố sinh sống, song tất cả cuối cùng chỉ là “công cốc.”

Gần như không có ai chuyển về sinh sống tại các thành phố này. McMahon nói: “Cũng có một số người chuyển về đây sinh sống, song số lượng này quá ít so với những hạ tầng được xây dựng.”

Ông cho rằng chính giới chức địa phương là nhân tố làm bùng lên "cơn sốt" này.

[Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Khi nào mới dừng lại?]

Ông nói: “Thành công và khả năng thúc đẩy phát triển của họ về cơ bản được xác định bởi việc họ có cải thiện tăng trưởng kinh tế hay không. Tuy nhiên, họ lại chỉ có rất ít thời gian để đạt được mục tiêu này. Nếu một quan chức chỉ có 3 năm để thể hiện rằng ông ta là một nhà quản lý kinh tế, một người có thể thúc đẩy tăng trưởng, thì cách tốt nhất để làm điều đó là vay thật nhiều tiền và xây thứ gì đó thật lớn và thật nhanh."

"Sau 3 năm, thành phố sẽ hoàn thiện, hoặc ít nhất cũng đang được xây dựng, và bấy nhiêu đó cũng đủ để thể hiện rằng ông ta có khả năng quản lý. Tuy nhiên, khi các khoản nợ đáo hạn, quan chức này lại đang ở một vị trí khác, người kế nhiệm mới là kẻ phải gánh chịu hậu quả."

McMahon, người gần đây vừa phát hành một cuốn sách có tiêu đề "China's Great Wall of Debt" (tạm dịch: “Vạn lý Trường thành Nợ” của Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng tháo gỡ khúc mức về nợ công của mình song điều đó sẽ khiến nền kinh tế này dễ chịu tổn thương.

Sau chiến tranh thương mại sẽ là gì?

Dư luận đang dự đoán về những động thái tiếp theo của Trung Quốc. Tăng thuế cũng được xem là một lựa chọn. Tuy nhiên, McMahon cho rằng "vấn đề lớn ở đây là Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, Trump có thể tiếp tục nói rằng ông ấy sẽ tăng thêm thuế, và sẽ đến lúc Trung Quốc không còn chỗ để đánh thuế, trước cả khi Mỹ đạt đến giới hạn này."

Một “giải pháp” khác cho Trung Quốc là gây thêm khó dễ cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại quốc gia này. McMahon lấy ví dụ là công ty Starbucks, doanh nghiệp không thực sự đóng góp cho kim ngạch thương mại Mỹ-Trung song lại mở hàng nghìn cửa hàng café tại quốc gia này.

Ông nói: "Thị trường Trung Quốc là một nguồn lợi nhuận rất lớn đối với doanh nghiệp Mỹ. Căng thẳng có thể sẽ lên tới mức Trung Quốc bắt đầu cản trở các doanh nghiệp này” bằng việc áp đặt những quy định hoặc gây ra những khó khăn về pháp lý.

Theo McMahon, các khoản thuế mà Tổng thống Trump áp đặt có thể có sức nặng hơn nếu ông có thể phối hợp cùng các quốc gia và khu vực khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu và Nhật Bản.

Ông nói: “Ảnh hưởng về thương mại mà tất cả những quốc gia và khu vực này có với Trung Quốc có thể sẽ có những tác động thực sự đối với lĩnh vực xuất khẩu của họ”./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục