Khu di tích Bùi Hữu Nghĩa - Điểm đến hấp dẫn của du lịch về nguồn

Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km, Khu di tích Bùi Hữu Nghĩa là một trong những điểm đến hấp dẫn của mô hình du lịch về nguồn của thành phố Cần Thơ.
Khu di tích Bùi Hữu Nghĩa - Điểm đến hấp dẫn của du lịch về nguồn ảnh 1(Nguồn: wikipedia.org)

Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km, Khu di tích Bùi Hữu Nghĩa là một trong những điểm đến hấp dẫn của mô hình du lịch về nguồn của thành phố Cần Thơ.

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), hiệu Nghi Chi vừa là nhà thơ; đồng thời là vị quan Tri huyện thanh liêm, yêu thương dân. Nhằm xây dựng một điểm thờ phượng tương xứng để nhân dân đến thăm viếng tỏ lòng ngưỡng vọng danh nhân Bùi Hữu Nghĩa, từ năm 2010-2014, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã đầu tư gần 60 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng đền thờ ông trên diện tích 10.000m2, nằm trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.

Khu tưởng niệm đã được công nhận là Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến thăm viếng mỗi năm, trở thành biểu tượng giáo dục lòng yêu nước, sự ham học hỏi và thái độ sống khiêm nhường cho hậu thế.

Khu tưởng niệm danh nhân Bùi Hữu Nghĩa có bốn công trình chính gồm ba tòa nhà lớn trong đó chính giữa là nhà thờ, bên trái nhà trưng bày, bên phải nhà khách và một nhà bia ngay cổng vào để lược ghi tài năng, công đức của ông. Mộ ông nằm ngay sau nhà thờ, đang tiếp tục được trùng tu nâng cấp với các hạng mục mái vòm, bia đá…

Kiến trúc chủ đạo của Khu Di tích là phong cách giả cổ với các cột cái đường kính khoảng 1m được sơn màu nâu đỏ; vách ngăn, ban thờ bằng gỗ được trạm trổ công phu; mái lợp ngói xanh mát mắt. Đỉnh mái nhấn mạnh bằng biểu tượng đôi cá hóa long, bốn góc mái được điểm tô bằng những cánh chim phượng đang bay lên.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích Quốc gia Bùi Hữu Nghĩa, cho biết năm 2014, thành phố Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ trong khuôn viên Khu Di tích. Ngày rằm tháng Giêng, ngày Nguyên tiêu, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Cần Thơ tổ chức “Ngày Thơ Việt Nam” với các hoạt động ngâm thơ, bình thơ tại đây.

Ngày giỗ danh nhân Bùi Hữu Nghĩa là 20/1 âm lịch, được tổ chức với nhiều hoạt động có cả phần lễ lẫn phần hội, như lễ rước linh vị, dâng hương ghi tạc công đức của ông và vợ là bà Nguyễn Thị Tồn, người thuộc thôn Mỹ Khánh, tổng Chính Mỹ Thượng, huyện Phước Chính, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).

Ông Dương Đình Nhân, Phó phòng Văn hóa và Thể thao quận Bình Thủy, cho biết đền thờ Bùi Hữu Nghĩa từ ngày được trùng tu, đã có được dáng vẻ bề thế, uy nghiêm. Đường dẫn vào khu đền thờ danh nhân cũng được làm lại khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại nên lượng khách tham quan đến viếng, thắp nhang cho ông ngày một nhiều. Bình quân mỗi ngày có vài chục lượt khách. Vào những ngày cuối tuần, thứ Bảy, Chủ nhật lượng khách tăng lên khoảng ngoài 200. Những dịp lễ hội, trung bình có khoảng 500 lượt khách. Trong dịp Nguyên tiêu, ngày giỗ ông, lượng khách lên đến cả ngàn người.

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức chương trình trao học bổng Bùi Hữu Nghĩa cho học sinh nghèo vượt khó, tổ chức cho các đoàn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố đến Khu Di tích để tham quan, ôn lại cuộc đời đầy vẻ vang của Bùi Hữu Nghĩa nhằm giáo dục truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước, thương dân của ông cho thế hệ trẻ…

Tuy nhiên, hiện Khu Di tích còn nhiều hạng mục vẫn cần phải đầu tư thêm như khu nhà mồ - nơi có phần mộ danh nhân Bùi Hữu Nghĩa. Chính quyền địa phương cũng đang bàn bạc với Đồng Nai để đưa phần mộ bà Nguyễn Thị Tồn về nằm cạnh ông. Khu bảo tàng trưng bày những hiện vật liên quan tới cuộc đời ông vẫn còn khá ít, địa phương đang lên kế hoạch sưu tầm và làm phong phú thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục