Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 4/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Phi cận Sahara, bày tỏ lo ngại về một “thập kỷ mất mát” đối với khu vực này khi phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng.
WB ước tính, trong năm nay, tăng trưởng của khu vực sẽ đạt 2,5%, so với 3,6% của năm ngoái, đặc biệt là do sự suy thoái ở các nền kinh tế chính trong khu vực.
Nền kinh tế Nigeria dự kiến sẽ tăng trưởng 2,9%, trong khi Angola sẽ đạt 1,3% và Nam Phi chỉ 0,5%.
Theo tổ chức tài chính toàn cầu, vấn đề thậm chí còn khó khăn hơn đối với khu vực là GDP bình quân đầu người của khu vực này đã không tăng kể từ năm 2015, đồng thời chỉ ra rằng mức tăng trưởng của chỉ số này có thể chỉ là 0,1% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2025.
[WB dự báo tăng trưởng kinh tế ở châu Phi cận Sahara sẽ chậm lại]
Những lý do như bất ổn chính trị cũng như xung đột và bạo lực gia tăng, được WB coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại và suy thoái mạnh ở một số quốc gia, chẳng hạn như Sudan, nền kinh tế được dự đoán sẽ giảm 12% trong năm nay vì quốc gia này phải đối mặt với cuộc xung đột kéo dài.
Đáng lo ngại hơn nữa, nợ công vẫn là một nguyên nhân gây lo ngại, với hơn 20 quốc gia trong khu vực có nguy cơ mắc nợ ở mức cao.
Mặc dù tình hình kinh tế vẫn còn phức tạp nhưng WB vẫn chỉ ra rằng một số khía cạnh đang được cải thiện, với lạm phát năm nay ít rõ rệt hơn so với năm 2022, ở mức 7,3% so với 9,3%.
Ngoài ra, một số tổ chức trong khu vực đang hoạt động hiệu quả hơn, chẳng hạn như Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), nơi được cho là sẽ có mức tăng trưởng tích lũy là 5,1% và Cộng đồng Đông Phi, nơi có nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9%./.