Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, Hội nghị Kinh doanh vùng Đông Bắc của Ấn Độ với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) diễn ra trong 2 ngày 24-25/3 tại thành phố Guwahati, bang Assam của Ấn Độ.
Hội nghị do Bộ Công Thương Ấn Độ phối hợp với Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dịch vụ (SEPC) và Phòng Thương mại dịch vụ quốc tế (ICSI) của Ấn Độ tổ chức với trọng tâm phát triển ngành dịch vụ giáo dục đại học và y học cổ truyền.
Tham dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành Ấn Độ, các quan chức chính quyền 8 bang vùng Đông Bắc, đại sứ các nước Việt Nam, Lào, đại diện Campuchia và Myanmar và các doanh nghiệp, các trường đại học vùng Đông Bắc của Ấn Độ…
Tại hội nghị, ông Ravi Kapoor, Phó Bí thư chính quyền bang Assam đã nhấn mạnh vai trò cửa ngõ của vùng Đông Bắc Ấn Độ nói chung và bang Assam nói riêng trong Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Ông nêu bật lợi thế của vùng Đông Bắc so với các vùng khác của Ấn Độ là có thể tiếp cận nhanh hơn tới các nước Đông Nam Á nói chung và các nước CLMV nói riêng theo cả đường bộ và đường không.
Ông cũng cho rằng vùng Đông Bắc Ấn Độ và CLMV có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực dịch vụ, trước hết là hàng không, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe...
Đặc biệt, khu vực Đông Bắc Ấn Độ có nhiều trường đại học và đều giảng dạy bằng tiếng Anh nên có thể thu hút nhiều sinh viên từ các nước CLMV.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng vùng Đông Bắc Ấn Độ và các nước CLMV không chỉ có lợi thế gần gũi về địa lý mà còn có nhiều sự tương đồng về văn hóa, đồng thời đang giành được sự ưu tiên của cả Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Trong khi ASEAN có các chương trình ưu tiên rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV với các nước ASEAN khác, thì Ấn Độ cũng có một chương trình lớn để phát triển vùng Đông Bắc.
Ấn Độ cũng có các chương trình thúc đẩy hợp tác với các nước CLMV như khoản tín dụng 1 tỷ USD để các nước ASEAN, trước hết là CLMV thực hiện các dự án kết nối số với Ấn Độ và Quỹ phát triển dự án để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các nước CLMV.
Đại sứ cho rằng đây là những điều kiện thuận lợi nhưng để biến các tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin, y tế thành hiện thực, hai bên cần phải đẩy nhanh các dự án tăng cường kết nối đường bộ và khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp, đồng thời thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xúc tiến ở cả hai khu vực./.