Ngành du lịch toàn cầu đang chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh mối lo khủng bố đang "phủ mây đen" lên ngành du lịch.
Đó là nhận định được Chủ tịch Ban điều hành của Diễn đàn Du lịch Thế giới, ông Bulut Bagci đưa ra ngày 16/2 trong một hội nghị toàn cầu về du lịch đang diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc là quốc gia có lượng du khách đi du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp, đóng góp trung bình hơn 13% vào doanh thu của ngành du lịch toàn cầu.
Theo Cơ quan quản lý du lịch quốc gia Trung Quốc, hơn 600 triệu lượt du khách nước này sẽ đi du lịch ở nước ngoài trong 5 năm tới.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc ước tính lượng du khách đi du lịch nước ngoài trên thế giới hiện là 1,2 tỷ lượt người và con số này được dự đoán sẽ chạm mức 1,8 tỷ lượt người vào năm 2030.
Các chuyên gia trong ngành du lịch từ 25 quốc gia tham dự hội nghị toàn cầu ở Istanbul cho rằng, môi trường truyền thông dựa trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến được xem là phương tiện tốt nhất để tiếp cận và thu hút du khách trong năm 2017.
Bên cạnh đó, giới chức trong ngành cũng cho rằng khủng bố là vấn đề lớn nhất gây ảnh hưởng đến ngành “công nghiệp không khói” và kìm hãm đà phát triển của ngành này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, trong một phát biểu tại hội nghị, đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh hợp tác để đối phó với khủng bố.
Diễn đàn Du lịch Thế giới là một tổ chức toàn cầu hoạt động với mục đích thúc đẩy hơn nữa ngành du lịch trên toàn thế giới. Tại hội nghị dự kiến kéo dài đến ngày 18/2 ở Istanbul, các đại biểu sẽ thảo luận các xu hướng mới trong ngành du lịch và xác định những biện pháp cần phải thực hiện để đẩy mạnh phát triển ngành này./.