Khủng hoảng có thể làm xói mòn nỗ lực giáo dục

Theo Tổng giám đốc UNESCO, khủng hoảng kinh tế toàn cầu có nguy cơ làm xói mòn các nỗ lực thực hiện chiến dịch "Giáo dục cho tất cả."
Ngày 3/3, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Irina Bokova, đã kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức tài trợ cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và lựa chọn chính sách đúng đắn nhằm tăng cường nỗ lực vì mục tiêu "Mọi người đều được hưởng thành quả của giáo dục" cũng như bảo vệ các thành quả mà ngành giáo dục đã giành được trong nhiều thập kỷ qua.

Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao các chuyên gia giáo dục thế giới do UNESCO tổ chức tại thủ đô Addiz Ababa của Ethiopia, bà Bokova nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu đang có nguy cơ làm xói mòn các nỗ lực thực hiện chiến dịch "Giáo dục cho tất cả" trên toàn cầu.

Vì vậy, bà kêu gọi chính phủ các nước không cắt giảm ngân sách giáo dục, mà cần tăng gấp đôi nỗ lực nhằm bảo vệ thành quả này và bù lại những thiệt hại về thu nhập quốc gia do khủng hoảng ở các nước nghèo.

Bên cạnh đó, bà Bokova còn cảnh báo nếu cộng đồng quốc tế không hành động kiên quyết và có mục tiêu để củng cố và nhân lên những thành quả này, gần 60 triệu trẻ em trên toàn cầu sẽ không có cơ hội đến trường vào năm 2015 - năm cuối cùng của tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Tổng Giám đốc UNESCO và Chủ tịch Ủy ban châu Phi của Liên minh châu Phi, Jean Ping, đã đánh giá cao những tiến bộ trong giáo dục ở các nước châu Phi, nhất là trong việc phát triển hạ tầng cơ sở giáo dục, giảng dạy tiếng mẹ đẻ và huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ giá trị của giáo dục trong bối cảnh tác động của khủng hoảng kinh tế.

Bà Bokova kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ mạnh mẽ những nỗ lực này nhằm đưa giáo dục đến những người bị đói nghèo gạt ra ngoài lề xã hội.

Chiến dịch "Giáo dục cho tất cả" đã giúp đưa hàng trăm triệu trẻ em đến trường. Tính riêng khu vực châu Phi trong năm 2009, đã có thêm 42 triệu trẻ em đến trường so với năm 2000.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát toàn cầu của UNESCO về chiến dịch “Giáo dục cho tất cả” cảnh báo hiện vẫn còn tới 72 triệu trẻ em trên toàn cầu không được đến trường và trong năm 2010, chi phí giáo dục của các nước khu vực tiểu sa mạc Sahara đã bị cắt giảm tới 4,6 tỷ USD do khủng hoảng kinh tế.

Báo cáo nhấn mạnh các cơ hội để trẻ em gái ở châu Phi được đến trường thấp không thể chấp nhận được, nhiều bộ phận lớn trong xã hội vẫn bị hạn chế tiếp cận giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục