Khủng hoảng năng lượng và tính toán quyền lực chính trị trên toàn cầu

Đối với Nga, Trung Quốc, Mỹ và Saudi Arabia, sự gia tăng nhu cầu gần đây đối với nhiên liệu hóa thách đã có những tác động sâu rộng hơn so với vấn đề cung-cầu.
Khủng hoảng năng lượng và tính toán quyền lực chính trị trên toàn cầu ảnh 1Cơ sở lọc dầu ở Shuaiba, cách Basra, Iraq khoảng 25km. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tác giả bài viết trên báo The Straits Times, đối với Nga, Trung Quốc, Mỹ và Saudi Arabia, sự gia tăng nhu cầu gần đây đối với nhiên liệu hóa thách đã có những tác động sâu rộng hơn so với vấn đề cung-cầu.

Nội dung bài viết như sau:

Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới năm nay do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố trước ngày diễn ra Hội nghị khí hậu thế giới ở Glasgow, Vương quốc Anh.

Giới quan sát dành nhiều sự chú ý đến báo cáo này vì số liệu thống kê về các kịch bản sản xuất và tiêu thụ trong lĩnh vực năng lượng tác động đến các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới, cũng như đưa ra những điểm gợi ý về cách thức thế giới đang đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trên hầu hết mọi số liệu, tiên lượng của IEA không mấy lạc quan.

Tốc độ phát triển nhanh của ngành năng lượng gió và Mặt Trời, cũng như sự gia tăng trong sản xuất xe điện và các công nghệ carbon thấp được thừa nhận một cách chính đáng.

[Phản ứng của các nước với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu]

Nhưng với tốc độ hiện nay, IEA cảnh báo những sự thay đổi như vậy chắc chắn không đủ để đạt được mức độ trung hòa carbon đến năm 2050, như nhiều chính phủ trong thế giới công nghiệp hóa vẫn cam kết thực hiện.

Quả thực, thế giới có thể đang thụt lùi trên con đường tiến tới mục tiêu này.

Theo IEA, lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng toàn cầu sẽ ghi nhận mức tăng hàng năm cao thứ hai từ trước đến nay trong năm 2021.

Nhu cầu đối với than đá dự kiến tăng 4,5% và việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch khác cũng không thấp hơn đáng kể. IEA ước tính rằng Trung Quốc sẽ chiếm hơn 50% mức tăng trưởng đó.

Trong khi đó, chi phí năng lượng đang tăng cao. Chỉ riêng trong năm nay, giá than đá đã tăng gấp gần bốn lần. Giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đang tăng trở lại mức cao nhất của năm 2014.

Một số nhân tố đứng đằng sau sự gia tăng về nhu cầu và giá cả này là mùa Đông kéo dài ở Bắc Bán cầu đã làm cạn kiệt các nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên, cùng sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến về nhu cầu năng lượng vốn bị gián đoạn bởi COVID-19.

Nhưng dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, cuộc khủng hoảng năng lượng này và phản ứng của các chính phủ, các nền kinh tế đối với sự gia tăng đột biến về nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ tác động đến các nền kinh tế và về cơ bản sẽ định hình những lựa chọn chiến lược trong thời gian còn lại của thập kỷ này.

Liệu giá năng lượng tăng vọt có thể đe dọa các kế hoạch hiện nay của thế giới nhằm chuyển đổi sang các nguồn năng lượng khác hay không? Câu trả lời một phần phụ thuộc vào việc nhu cầu tăng cao gần đây đối với nhiên liệu hóa thách kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, điều rõ ràng là những biến động giá cả mạnh mẽ này như một lời nhắc nhở về nhiệm vụ giảm lượng khí thải carbon khó khăn như thế nào.

Tác động đối với Saudi Arabia và Nga

Sự gia tăng đột biến giá khí đốt tự nhiên và dầu mỏ cũng đã làm đảo lộn một số tính toán chiến lược.

Cách đây chỉ vài tháng, hầu hết các nhà phân tích chính sách đều cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của các quốc gia sản xuất dầu khí đang suy giảm nhanh chóng.

Chắc chắn các nhà phân tích vẫn chấp nhận việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò nào đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia lập luận rằng những ngày mà các lãnh tụ Hồi giáo Arab và giới doanh nghiệp năng lượng Nga chỉ việc tích lũy thêm nhiều tài sản đã qua.

Niềm vui của các nước sản xuất dầu và khí đốt trước sự tăng vọt về giá cả năng lượng là không thể miêu tả bằng lời. Đúng là các nhà sản xuất biết rằng giá cả biến động mạnh không phục vụ lợi ích lâu dài của họ.

Giá dầu mỏ và khí đốt lên cao cũng có thể đẩy nhanh việc chuyển sang các nguồn năng lượng khác.

Nhưng họ không thể không tận hưởng sự thúc đẩy kinh tế và chính trị đáng kể mà tình trạng giá tăng phi mã hiện tại mang lại cho những nước này.

Các quốc gia như Saudi Arabia - nhà sản xuất quan trọng nhất - hiện đang chuẩn bị cho nhu cầu tương đối cao đối với dầu thô trong dài hạn.

Ông Amin Nasser, người đứng đầu tập đoàn năng lượng Saudi Aramco do nhà nước kiểm soát, gần đây đã công bố rằng công ty này có năng lực sản xuất dưới 12 triệu thùng dầu thô một ngày và sẽ tăng lên 13 triệu thùng trong nửa cuối thập kỷ này.

Giới tinh hoa chính trị Nga chưa bao giờ tin rằng những ngày tháng của nước này với tư cách là một trong những nhà cung cấp năng lượng lớn nhất thế giới sẽ kết thúc.

Những áp lực đối với Trung Quốc, Mỹ và châu Âu

Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với triển vọng không mấy dễ chịu về việc phải chấp nhận than đá của Australia, chính là loại nguyên liệu mà nước này đã và đang tẩy chay vì lý do chính trị trong hơn một năm qua.

Bắc Kinh đã tìm cách tránh phải đưa ra lựa chọn bằng việc chỉ cho phép một lượng nhỏ các chuyến hàng vận tải biển đi qua mà họ khẳng định là “sự nới lỏng chính sách,” chứ không phải là sự đảo ngược chính sách.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh không sớm quyết định chấp nhận các lô hàng của Australia, thì họ sẽ thấy rằng số than đá của Australia hiện bị mắc kẹt tại các thị trường Trung Quốc sẽ bị Ấn Độ thâu tóm. Chiến lược của Bắc Kinh gây áp lực lên Canberra đang phản tác dụng.

Chính phủ Trung Quốc đang quyết tâm đưa đất nước từ bỏ việc phụ thuộc vào than đá, nguyên nhân đóng góp nhiều nhất vào biến đổi khí hậu. Đốt than chiếm 46% lượng khí thải carbon dioxide trên toàn cầu. Hơn 70% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuất phát từ ngành điện. Hơn một nửa nguồn điện ở Trung Quốc được tạo ra bởi than đá. Nước này tiêu thụ 3 tỷ tấn than mỗi năm.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp các loại nhiên liệu hóa thạch khác là một lời nhắc nhở rằng việc từ bỏ than đá nói dễ hơn làm. Sự tăng vọt về giá khí đốt tự nhiên đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp này.

Vì khí đốt được coi là “nhiên liệu cầu nối,” nguồn tài nguyên chuyển tiếp trung gian giữa than đá và sự ra đời của các nguồn năng lượng tái tạo mới nổi hoặc hiện có.

Trung Quốc đã gắn bó với than đá quá lâu vì nguồn nguyên liệu này rẻ và đáng tin cậy, và cũng bởi vì nguồn cung sẵn có với số lượng lớn trên đất Trung Quốc.

Việc chuyển khỏi than đá không chỉ kéo theo chi phí cao và đe dọa sinh kế của một số lượng lớn thợ mỏ, mà còn có nghĩa là sự phụ thuộc nhiều hơn của nước này vào các nguồn năng lượng nhập khẩu.

Tất nhiên, điều đó đã được biết đến rộng rãi trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay chắc chắn làm ảnh hưởng đến mục tiêu đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là cắt giảm hoàn toàn tiêu thụ than đá ở Trung Quốc trong năm nay.

Và tình trạng thiếu điện gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc trong vài tuần qua có thể cản trở quyết định của một số nhà sản xuất năng lượng chủ chốt của Trung Quốc muốn chuyển sang các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát lĩnh vực bất động sản, những khó khăn về điện hiện đang đặt ra thách thức thực sự đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.

Những gì đang xảy ra với Trung Quốc cũng đang diễn ra với các nước khác: Cuộc khủng hoảng hiện nay về giá năng lượng đã làm lung lay niềm tin vào khả năng của nhiều chính phủ khác trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi than đá.

Đức, nơi than đá chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổ hợp năng lượng và công ăn việc làm, có thể vẫn tuân thủ nghiêm túc mục tiêu đến năm 2038 loại bỏ loại nhiên liệu hóa thạch này.

Nhưng làm thế nào để Ấn Độ, nơi ngành than là lĩnh vực tuyển dụng lớn nhất và chiếm hơn một nửa tiêu thụ năng lượng ở nước này, có thể thực hiện được cam kết như Đức?

Trong khi đó, ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, thường xuyên gọi điện thoại cho Thái tử Saudi Arabia Mahammed bin Salman, đề nghị giúp đỡ trong việc xử lý giá dầu đang tăng mạnh.

Một số nước châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì các lý do khác nhau, nhưng giờ đây lại công khai thắc mắc rằng tại sao Gazprom không vận chuyển nhiều khí đốt hơn cho các khách hàng của lục địa này. Người Nga đang sử dụng tối đa lực đòn bẩy chính trị mới được tìm thấy của họ.

Các đại sứ Nga công khai nói rằng nếu châu Âu muốn nhiều năng lượng hơn, họ sẽ phải cân nhắc mối quan hệ thân thiện hơn với Moskva.

Về lâu dài, các nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ phải đối mặt với khủng hoảng. Rõ ràng việc chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch là cần thiết và cấp thiết.

Tuy nhiên, biến động mạnh mẽ hiện nay trên các thị trường năng lượng là lời nhắc nhở kịp thời rằng nhiều cuộc thảo luận về quá trình phi carbon hóa của các nước công nghiệp phát triển vẫn trong trạng thái khát vọng hơn là thực tế. Và quá trình này có thể bị trật bánh với sự dao động nhỏ nhất của giá cả thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục