Khủng hoảng nợ công ở châu Âu vẫn chưa kết thúc

Cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa sự ổn định của Khu vực đồng euro vẫn chưa kết thúc cho dù Liên minh châu Âu (EU) đã tìm được giải pháp đáng hoan nghênh cho vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua.

Thế giới và các thị trường vẫn chờ đợi những hành động nhanh chóng và triệt để từ các chính phủ trong khu vực nhằm ngăn chặn "bệnh" nợ công lây lan ra toàn khu vực.
Cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa sự ổn định của Khu vực đồng euro vẫn chưa kết thúc cho dù Liên minh châu Âu (EU) đã tìm được giải pháp đáng hoan nghênh cho vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua.

Thế giới và các thị trường vẫn chờ đợi những hành động nhanh chóng và triệt để từ các chính phủ trong khu vực nhằm ngăn chặn "bệnh" nợ công lây lan ra toàn khu vực.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet đưa ra những cảnh báo này khi trả lời phỏng vấn tạp chí Bild am Sonntag của Đức trong ngày 30/10 .

Theo ông Trichet, cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp sau đó lây lan sang Ireland và Tây Ban Nha có nguyên nhân là sự yếu kém của một số nền kinh tế tiên tiến trong Khu vực đồng euro, và vẫn đang tồn tại dai dẳng. Chính vì vậy, thực hiện nhanh, chính xác các quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 27/10 vừa qua - xóa 50% nợ cho Hy Lạp, tăng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu tại các ngân hàng lên 9% và mở rộng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) - là nhân tố quyết định để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một năm nay và có nguy cơ đẩy thế giới vào thời kỳ suy thoái kinh tế mới này.

Ông Trichet tỏ ý tin tưởng sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua, các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ khôi phục được sự ổn định tài chính nếu họ tuân thủ triệt để và tích cực hơn Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng của EU, bao gồm một loạt đường hướng chỉ đạo về kinh tế, trong đó có mức "trần" thâm hụt ngân sách nhà nước vào khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Về quyết định của ECB mua trái phiếu của những nước đang ngập trong nợ nần, người đứng đầu ECB cho rằng động thái này là cần thiết để đưa ra các quyết định về lãi suất có lợi cho nền kinh tế. Ông nhấn mạnh hội đồng ECB quyết định tất cả những biện pháp đặc biệt vì mục đích chính sách tiền tệ, trên cơ sở độc lập hoàn toàn chứ không phụ thuộc vào đề xuất của bất kỳ chính phủ hay nhóm lợi ích nào.

Liên quan những cuộc biểu tình mới đây ở châu Âu phản đối các chính sách kinh tế, ông Trisê khẳng định giới chức EU sẽ theo dõi chặt chẽ mọi tín hiệu phản đối, kêu gọi các chính phủ trong khu vực tăng cường sức mạnh kinh tế để mang lại của cải và việc làm đồng thời ngăn chặn giới chức ngân hàng đưa ra các quyết định không phù hợp với các giá trị của xã hội. Ông cũng kêu gọi củng cố hệ thống tài chính ở châu Âu và trên toàn cầu.

Cùng ngày, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho cho biết nước này sẽ đề nghị nhóm "Bộ ba" tham gia chương trình cứu trợ vỡ nợ - gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (ECB) và ECB - đàm phán lại chương trình cứu trợ tài chính dành cho Lisbon.

Ông Coelho cho rằng Bản ghi nhớ mà Lisbon ký với nhóm "Bộ ba" tháng 3 vừa qua là "không thực tế", trong khi mục tiêu của chương trình này là đạt được những giải pháp mềm dẻo hơn.

Theo giới phân tích, khó khăn chính mà Lisbon đang phải đối mặt là cấp vốn cho các công ty nhà nước. Thỏa thuận cứu trợ quy định các công ty này phải tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường, nhưng tình hình hiện nay gây bất lợi cho các công ty nhà nước trong việc huy động vốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục