Mối lo ngại về việc phải cơ cấu lại khoản nợ của Hy Lạp đã dẫn đến tâm lý nghi ngờ bao phủ châu Âu khiến thị trường này đang nóng lên.
Nhật báo De Standaard của Bỉ số ra mới đây có bài viết với tiêu đề “Khủng hoảng nợ đang làm thị trường nóng lên,” cho biết, ngày 18/4, Bỉ đã vay nợ 2,95 tỷ euro, bằng việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm, với lãi suất có thời điểm ngay trong ngày hôm đó lên tới 4,4% - mức cao nhất trong vòng hai năm qua.
Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn thấp hơn mức lãi suất đối với trái phiếu kỳ hạn ba năm do Hy Lạp phát hành, hiện lên tới 20%.
Báo trên nhận xét vấn đề đáng lo ngại là “mức chêch lệch lãi suất giữa trái phiếu của Bỉ và của Đức đã đột ngột tăng vào thời điểm khi tâm lý thị trường hiện nay bị chi phối bởi sự tức giận và thiếu lòng tin.”
Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ING giải thích do “đây là lần thứ hai trong năm, Bỉ đấu thầu trái phiếu quốc gia đúng vào thời điểm nhạy cảm của thị trường,” và nhận xét rằng “thời điểm phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần này của Bỉ không phù hợp chút nào.”
Bỉ đã phát hành lượng trái phiếu quốc gia trị giá 17,3 tỷ euro trong tổng số lượng trái phiếu trị giá 34 tỷ euro dự kiến phát hành trong năm nay.
Do thị trường đang ngày càng “nóng,” Tây Ban Nha cũng sẽ phải gánh chịu lãi suất cao nếu phát hành trái phiếu chính phủ vào thời điểm hiện nay.
Về chủ đề này, nhật báo El País của Tây Ban Nha bày tỏ lo ngại rằng "sự hoài nghi về tình hình tài chính của Hy Lạp sẽ khiến Tây Ban Nha phải chịu lãi suất cao” nếu phát hành trái phiếu chính phủ để vay nợ.
Mối lo ngại về việc phải cơ cấu lại khoản nợ của Hy Lạp "đã dẫn đến kết quả là tâm lý nghi ngờ bao phủ thị trường và điều này một lần nữa cho thấy rằng mặc dù không phải là ‘đối tượng bị săm soi’ như một nhóm nền kinh tế đã rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ, Tây Ban Nha có thể vẫn phải chịu các điều kiện khắt khe”./.
Thái Vân (TTXVN/Vietnam+)