Kiểm lâm và Giáo hội Phật giáo truyên truyền bảo vệ chim hoang dã

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên-Huế đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tuyên truyền trực tiếp đến toàn thể phật tử hoặc bằng tờ rơi, băngrôn.
Kiểm lâm và Giáo hội Phật giáo truyên truyền bảo vệ chim hoang dã ảnh 1Hàng nghìn, hàng vạn con cò bay lượn trên Đầm Vân Long, Ninh Bình. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 30/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong những ngày qua, lực lượng kiểm lâm của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến hơn 70 ngôi chùa trên địa bàn để tuyên truyền, kêu gọi cũng như khuyến cáo phật tử không mua bán các loài chim hoang dã để phóng sinh.

Đông đảo người dân, phật tử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hưởng ứng và cho đây là hành động kịp thời, nhân văn nhằm bảo vệ các loài chim hoang dã có nguy cơ tận diệt với nạn săn bắt ngày càng quy mô.

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có công văn đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tuyên truyền; khuyến cáo phật tử không mua các loài chim hoang dã để phóng sinh nhằm bảo vệ các loài chim.

[Tăng cường công tác bảo vệ các loài chim hoang dã khi mùa di cư đến]

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tuyên truyền trực tiếp đến toàn thể phật tử hoặc bằng tờ rơi, băngrôn để thay đổi nhận thức về phóng sinh; khuyến cáo phật tử không mua các loài chim để phóng sinh vì đây là hành động tiếp tay cho các hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép.

Sở cũng đề nghị tuyệt đối không cho phép người dân vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh. Khi phát hiện mua bán chim hoang dã, người dân có thể gọi vào số điện thoại đường dây nóng 08.4477.3030 để phối hợp tiếp nhận, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên-Huế, hiện nay, tình trạng săn bắt các loài chim hoang dã ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Ngoài việc săn bắt chim hoang dã để bán cho các nhà hàng hoặc nuôi làm cảnh thì việc săn bắt chim hoang dã phục vụ cho hoạt động phóng sinh càng trở nên phổ biến.

Những hoạt động săn bắt chim hoang dã sẽ làm tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên, các hành vi này vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có nhiều hệ sinh thái đặc trưng, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong đó có các loài chim.

Tiêu biểu như vùng cửa sông Ô Lâu nằm trong phân khu bảo tồn Ô Lâu đã từng được ghi nhận là nơi dừng chân, trú đông của hàng vạn cá thể chim nước di cư dọc tuyến Đông Á-Úc châu.

Thời gian qua, tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ các loài chim trời.

Đáng chú ý, Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng nội dung bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi sinh cảnh trằm chim vùng cửa sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và huyện Quảng Điền.”

Đề án nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khôi phục cảnh quan tự nhiên hướng đến xây dựng mô hình thu hút, bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài chim hoang dã, quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục