Kiểm toán môi trường là ưu tiên trong kế hoạch chiến lược của ASOSAI

Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Kiểm toán môi trường là ưu tiên trong kế hoạch chiến lược của ASOSAI ảnh 1Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 năm 2018 do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đăng cai, lần đầu tiên, Tuyên bố Hà Nội ra đời với thông điệp chính “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã trở thành văn kiện quan trọng của ASOSAI về tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nhằm theo đuổi và hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc.

Kiểm toán môi trường được coi là trụ cột trong kế hoạch chiến lược, cũng như các văn kiện quan trọng của ASOSAI trong các giai đoạn tiếp theo...

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho biết với vai trò Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã khởi xướng thành lập Ủy ban đặc biệt nghiên cứu việc thành lập Nhóm làm việc của ASOSAI về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 54 vào tháng 7/2019.

Đây được coi là đề xuất tiên phong của ASOSAI trong cộng đồng Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), góp phần thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội và cũng là dấu ấn quan trọng của ASOSAI trong nhiệm kỳ 2018-2021, cho thấy sự sẵn sàng, chủ động đối với những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu.

[Kiểm toán Nhà nước VN thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược ASOSAI]

Trong giai đoạn 2020-2022, ASOSAI đã triển khai thực hiện Chương trình kiểm toán hợp tác về SDGs với chủ đề: “Hệ thống y tế quốc gia bền vững và nhanh chóng phục hồi” theo mô hình toàn diện và khép kín về phát triển bền vững của INTOSAI với sự tham gia của 26 quốc gia châu Á và 3 quốc gia khu vực Thái Bình Dương.

Đây là chương trình hợp tác thử nghiệm ở quy mô lớn, hướng tới mục tiêu và thành tựu là sự tiếp cận công bằng hơn với các hệ thống y tế quốc gia và ưu tiên cho các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người khuyết tật, người nghèo...

Kết quả cuộc kiểm toán hợp tác được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự bền vững của hệ thống y tế công cộng quốc gia thông qua kiến nghị theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI về nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng cường năng lực cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro và quản lý rủi ro sức khỏe quốc gia và toàn cầu.

Đây là một nỗ lực rất lớn của ASOSAI nói chung và các Cơ quan Kiểm toán thành viên (SAI) nói riêng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tạo nên khủng hoảng và hệ lụy khó lường trên quy mô toàn cầu.

Ngoài ra, thông qua Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA), ASOSAI đã nỗ lực thúc đẩy các cuộc kiểm toán hợp tác và Đề án nghiên cứu. Nổi bật trong đó là cuộc kiểm toán hợp tác về bảo vệ môi trường nước và hai Đề án nghiên cứu về ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường và kiểm toán giảm nghèo, cải thiện môi trường sống vùng nông thôn đã thực hiện thành công.

Năm 2020, Nhóm triển khai hai cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề Kiểm toán quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong (do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì) và Kiểm toán giao thông bền vững; đồng thời bắt đầu Đề án nghiên cứu về chủ đề Kiểm toán tài chính xanh.

Bên cạnh đó, ASOSAI WGEA tích cực, chủ động trong nhiều dự án của INTOSAI WGEA, trong đó 9 SAI thành viên của Nhóm tham dự vào 3 Chương trình hoạt động của INTOSAI WGEA 2020-2022 với chủ đề Vận tải bền vững, Chất thải nhựa và Tài chính xanh.

Vào tháng 5/2019, SAI Trung Quốc đăng cai tổ chức Cuộc họp lần thứ 6 trong khuôn khổ Diễn đàn Lãnh đạo Kiểm toán toàn cầu, trong đó có chủ đề "Cải thiện trách nhiệm giải trình ở khu vực công thông qua kiểm toán môi trường.”

Trong các tham luận, SAI Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đã thể hiện quan điểm liên quan đến chủ đề này và chia sẻ thực tiễn cũng như đưa ra các đề xuất có lợi cho hoạt động kiểm toán tài nguyên và môi trường của Nhóm trong tương lai.

Kiểm toán môi trường là ưu tiên trong kế hoạch chiến lược của ASOSAI ảnh 2Một trang trại điện gió được khánh thành tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tổng số có 84 cuộc kiểm toán môi trường đã được thực hiện chủ yếu dưới loại hình kiểm toán hoạt động, với chủ đề đa dạng và bao trùm lên hầu hết tất cả các lĩnh vực môi trường, như quản lý chất lượng không khí, biển, tài nguyên nước, xử lý chất thải, quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, năng lượng tái tạo, bảo tồn thiên nhiên, chống tình trạng sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và suy thoái đất.

Bên cạnh đó, còn có 35 cuộc kiểm toán SDGs được thực hiện trong giai đoạn 2018-2021. Tất cả các SAI thành viên thông báo rằng đã thực hiện ít nhất một cuộc kiểm toán liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững.

Có thể thấy các chủ đề kiểm toán được đưa ra sau Tuyên bố Hà Nội đã tập trung vào những lĩnh vực có ý nghĩa to lớn trong việc mang lại giá trị và lợi ích cho người dân, như nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ phúc lợi; phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục công; an ninh lương thực bền vững; quản lý tài chính quốc gia bền vững; quản lý bền vững chính sách dân số và nhân khẩu học...

Giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu

Việc theo đuổi các khuyến nghị trong Tuyên bố Hà Nội của ASOSAI và các SAI thành viên cho thấy sự nghiêm túc và luôn chủ động để ứng phó với những thách thức chung của khu vực trong lĩnh vực kiểm toán công, trong đó có lĩnh vực kiểm toán môi trường và kiểm toán thực hiện mục tiêu phát triển bền vững - Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ mỗi quốc gia, khu vực châu Á và toàn cầu hiện nay.

Các cuộc kiểm toán nói trên đã góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ngày càng toàn diện, mạnh mẽ, đưa ra các phát hiện, kiến nghị kiểm toán hết sức giá trị cả về mặt chuyên môn và quản lý chính sách.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh, các cuộc kiểm toán môi trường giúp Chính phủ áp dụng các biện pháp ngày càng mạnh mẽ, kịp thời để bảo vệ hệ môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao nhận thức của các cơ quan hữu quan trong việc khắc phục các vấn đề một cách nghiêm túc, chủ động hơn; thiết lập cơ chế dài hạn và tạo điều kiện cho việc ban hành, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp lý, khung chính sách về môi trường quốc gia.

Đặc biệt, đánh giá toàn diện tính phù hợp của các chương trình, dự án của Chính phủ từ góc độ phát triển bền vững (nhất là tính minh bạch, hiệu lực và trách nhiệm giải trình); lập kế hoạch chung về môi trường; thực hiện các chương trình/dự án để quản lý các mục tiêu; thiết lập các tiêu chuẩn, quy định quản lý và hình thành cơ chế thực hiện chính sách môi trường...

Các chương trình, dự án kiểm toán này đã tạo ra tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của các SAI thông qua việc thúc đẩy chia sẻ kiến thức, áp dụng thực tiễn tốt cũng như hỗ trợ các SAI trong việc xây dựng năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực tổ chức.

Các SAI sẽ chủ động để sẵn sàng ứng phó với các thách thức mới và tình huống khẩn cấp, đặc biệt là luôn tiên phong triển khai các cuộc kiểm toán môi trường và mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với bối cảnh từng quốc gia và xu thế chung của khu vực, thế giới.

Mặc dù một số hành động trong Tuyên bố Hà Nội chưa được triển khai đầy đủ như kỳ vọng, nhưng các SAI thành viên đã nỗ lực, cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch và khẳng định sẽ tiếp tục cống hiến hết mình cho một ASOSAI ngày càng lớn mạnh, vì một châu Á ngày càng xanh tươi và phát triển bền vững.

Tăng cường năng lực cho các SAI thành viên

Để thúc đẩy lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh, việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác, tăng cường chia sẻ giữa các SAI và những bên liên quan sẽ giúp tạo nên một bức tranh toàn diện về các thành phần liên quan đến hoạt động kiểm toán môi trường. Thời gian tới, ASOSAI cần tiếp tục tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên bằng cách tận dụng các nền tảng kỹ thuật số.

Đặc biệt, ASOSAI cần nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy các hoạt động tăng cường năng lực cho các SAI thành viên về SDGs như việc xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động hay chương trình tăng cường năng lực cần dựa trên khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện nhu cầu của tất cả các thành viên và thảo luận tại các cuộc họp quan trọng của ASOSAI.

Tuyên bố Hà Nội là văn kiện quan trọng, khẳng định sự quan tâm, nỗ lực, đóng góp của ASOSAI nói chung và SAI thành viên nói riêng trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện hai trụ cột chiến lược của Tuyên bố Hà Nội đều có giá trị lớn đối với sự phát triển của ASOSAI.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Trần Sỹ Thanh khẳng định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và nền kinh tế toàn cầu trong tương lai luôn đòi hỏi sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường. Vì vậy, nội dung của Tuyên bố Hà Nội về kiểm toán môi trường, thực hiện SDGs sẽ và luôn được kế thừa, phát triển như trụ cột ưu tiên trong kế hoạch chiến lược, cũng như các văn kiện quan trọng của ASOSAI trong các giai đoạn tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục