Tỉnh Kiên Giang tập trung sản xuất vụ lúa Hè Thu và Thu Đông hiệu quả, đạt 1,95 triệu tấn trở lên; trong đó, lúa Hè Thu 1,57 triệu tấn để đạt và vượt kế hoạch sản lượng năm 2022 là 4,4 triệu tấn lúa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, vụ lúa Hè Thu 2022, người dân xuống giống 279.699ha, đạt 99,5% kế hoạch.
Đến nay, người dân đã thu hoạch 107.068ha, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha, tập trung ở các huyện Giang Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất…
Vụ lúa Thu Đông 2022, đến thời điểm này, người dân đã gieo sạ 62.890ha, đạt 78,6% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành và thành phố Rạch Giá, phấn đấu sản lượng đạt 380.000-400.000 tấn lúa.
Theo đó, tại vùng sản xuất trọng điểm lúa Tây sông Hậu của tỉnh, huyện Tân Hiệp cơ bản đã thu hoạch xong 36.598 ha, đạt 100% kế hoạch sản xuất vụ lúa Hè Thu này, năng suất bình quân 5,9 tấn/ha.
Ông Bùi Quốc Duy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp chia sẻ: “Sản xuất vụ lúa Hè Thu, huyện gieo sạ theo hướng 'hợp tác, tập trung, đồng loạt, né rầy,' xuống giống dứt điểm trong tháng 4/2022.
Nông dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực, tham dự tập huấn khuyến nông, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Các hợp tác xã và nông dân làm đất theo kỹ thuật trục đất vùi gốc rạ, vệ sinh đồng ruộng diệt trừ mầm bệnh, tuân thủ gieo sạ theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp.
[Kiên Giang phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch]
Bên cạnh đó, hệ thống canh tác, kết cấu hạ tầng, bờ bao, cống máng, trạm bơm… trên địa bàn huyện được đầu tư ngày càng hoàn thiện cho sản xuất lúa. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao được các hợp tác xã chú trọng gieo trồng. Mạng lưới chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất khá đồng bộ.”
Tuy nhiên, trong kỳ sản xuất lúa vụ Hè Thu 2022, ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng tác động bất lợi đến sự phát triển của cây lúa, ảnh hưởng năng suất.
Mặt khác, sản xuất lúa hàng hóa theo hợp đồng bao tiêu còn hạn chế, doanh nghiệp chưa thực sự là nơi để nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa.
Cụ thể, trong vụ Hè Thu, Tân Hiệp chỉ có 2 dự án sản xuất lúa mô hình cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm, tổng diện tích 1.268 ha, với 472 hộ dân tham gia.
Nhiều nông dân ở xã Thạnh Đông A, Thạnh Đông B, Tân An, Tân Hội, Thạnh Trị... thuộc huyện Tân Hiệp còn cho biết, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao, đầu tư sản xuất từ 40-50 triệu đồng/ha, tăng gần gấp đôi so với vụ Hè Thu 2021 và những vụ mùa năm trước.
Trong khi đó, giá lúa giảm thấp, không ổn định, dao động ở mức từ 5.500-5.800 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí, sản xuất không lời như kỳ vọng khoảng 30-35%, thậm chí hòa vốn, thua lỗ.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cùng với các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai, kịp thời ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp để bảo vệ an toàn cho các trà lúa Hè Thu trên đồng đang vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Cụ thể, địa phương gia cố, nâng cấp đê biển, đê sông ngăn triều cường, mặn tràn gây úng ngập, bảo đảm an toàn cho sản xuất; quản lý, vận hành hệ thống cống thủy lợi điều tiết nước phù hợp trên các vùng sản xuất, nhất là tiêu thoát nước, chống úng ngập tại những khu vực trũng thấp; hỗ trợ nông dân thu hoạch các trà lúa chín…
Với vụ lúa Thu Đông, tỉnh tập trung xuống giống dứt điểm 80.000 ha theo kế hoạch trong tháng 8 để không ảnh hưởng đến sản xuất vụ lúa Đông xuân 2022-2023.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, hầu hết diện tích lúa Thu Đông tại các địa phương gieo sạ ở những vùng có đê bao hoàn chỉnh, sản xuất lúa 3 vụ/năm.
Nông dân chấp hành tốt lịch thời vụ để tránh lũ, đón phù sa và cải tạo đất. Sản xuất khu vực hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác có đê bao chủ động, bơm tưới tập trung, sử dụng các giống chất lượng cao, sạ thưa và áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng,” “1 phải, 6 giảm.”
Để sản xuất vụ lúa Thu Đông an toàn và hiệu quả, ngành nông nghiệp tại các huyện, thành phố cùng với nông dân tăng cường quản lý dịch hại tổng hợp, phòng, chống sâu bệnh gây hại lúa, phun thuốc đặc trị theo nguyên tắc “4 đúng.”
Tổ Kinh tế kỹ thuật xã cùng nông dân thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh những tình huống bất lợi trên đồng ruộng, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa, bón phân cân đối theo bảng so màu lá, điều chỉnh mực nước ruộng để lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thu hoạch thuận lợi.
Cùng với đó, các địa phương sản xuất vụ lúa Thu Đông tăng cường kiểm tra bờ bao, đê sông, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, trạm bơm... để kịp thời xử lý những sự cố có thể xảy ra, đảm bảo phục vụ sản xuất an toàn và hiệu quả.
Mặt khác, hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa và phòng, chống lũ, ứng phó với thiên tai có thể xảy ra trong vụ lúa Thu Đông./.