Theo Sở Công Thương Kiên Giang, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tỉnh tổ chức 2 chuyến đưa hàng bình ổn giá ra 7 xã đảo trên vùng biển Tây Nam thuộc địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Cụ thể là các xã đảo Hòn Tre, An Sơn, Nam Du, Lại Sơn (Kiên Hải); Tiên Hải (thành phố Hà Tiên); Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương). Tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng chi phí vận chuyển hàng, công tác phí, kiểm tra, giám sát việc đưa hàng hóa ra xã đảo.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Lâm Huỳnh Nhân cho biết tỉnh chọn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa hàng bình ổn giá ra xã nhiều năm qua phục vụ người dân hiệu quả, có tiềm lực tài chính mạnh, dự trữ đủ hàng hóa theo kế hoạch.
Hàng hóa đưa ra đảo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc đa dạng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, nhất là những mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm cần thiết của người dân xứ đảo. Cụ thể là thịt lợn, gạo, nếp, đậu các loại, sữa, dầu ăn, nước mắm, nước chấm, gia vị, bánh kẹo, mứt, thực phẩm chế biến, rượu, bia, trứng và các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19.
[Kiên Giang chuẩn bị 54.730 tấn hàng Tết, trị giá trên 2.400 tỷ đồng]
Các đơn vị chức năng và công an các huyện, thành phố bảo đảm an ninh, trật tự để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đưa hàng hóa về các xã đảo, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm đối với những hành vi bịa đặt, loan tin, đưa thông tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ… gây hoang mang trong nhân dân.
Tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương Kiên Giang phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, chủ động phương án, các biện pháp ứng phó kịp thời để ổn định thị trường. Nhân rộng thêm các điểm bán hàng Việt Nam cố định khác tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hành bách hóa, cửa hàng nông-thủy sản trên địa bàn tỉnh gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Cùng với đó, Sở Công Thương Kiên Giang phối hợp với sở, ngành, đơn vị có liên quan và các lực lượng chức năng, các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết… Kịp thời phát hiện đề xuất Ban Chỉ đạo 389/KG chỉ đạo xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh, các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều ngành trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tỉnh yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, tăng cường phối hợp với các lực lượng, đơn vị chức năng trong địa bàn quản lý nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới./.