Kiến nghị bổ sung tội danh tra tấn vào Bộ luật Hình sự

Nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng cần bổ sung tội danh tra tấn vào Bộ luật Hình sự, như vậy mới có thể phòng chống và nghiêm trị hành vi tra tấn dưới mọi hình thức.
Kiến nghị bổ sung tội danh tra tấn vào Bộ luật Hình sự ảnh 1Cảnh sát lấy lời khai của đối tượng phạm tội. (Ảnh: Doãn Tấn/TXTVN)

Tại hội thảo quốc tế “Công ước của Liên hiệp quốc về chống tra tấn và việc thực hiện các nghĩa vụ quốc gia - Kinh nghiệm cho Việt Nam” do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 7/11, nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng cần bổ sung tội danh tra tấn vào Bộ luật Hình sự, như vậy mới có thể phòng chống và nghiêm trị hành vi tra tấn dưới mọi hình thức.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa ký Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước UNCAT).

Công ước này đã được Chủ tịch nước trình Quốc hội vào ngày 23/10 và sẽ được Quốc hội chính thức xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc khóa XIII.

Với ba phiên thảo luận, hội thảo tập trung vào nội dung Công ước UNCAT về chống tra tấn; nghĩa vụ quốc gia trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước UNCAT và việc truy cứu trách nhiệm hình sự, phòng ngừa các hành vi tra tấn.

Trao đổi về vấn đề này, giáo sư-tiến sỹ khoa học Đào Trí Úc (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng Hiến pháp Việt Nam 2013 lần đầu tiên đề cập đến việc cấm tra tấn (Khoản 1 Điều 20) nhưng khái niệm này vẫn chưa được định nghĩa trong các văn bản dưới Hiến pháp mà chỉ dừng lại ở vấn đề liên quan như nhục hình, bức cung...

Trong khi đó, khái niệm tra tấn theo Luật Nhân quyền quốc tế rộng hơn nhiều so với nhục hình, bức cung. Vì thế, cần xác định rõ định nghĩa, bổ sung hành vi tra tấn trong Bộ luật Hình sự; đặt ra các thủ tục tố tụng đặc biệt nếu cần thiết để bảo đảm các hành vi tra tấn sẽ được điều tra, truy tố, xét xử một cách nhanh chóng và nghiêm minh.

Theo giáo sư-tiến sỹ khoa học Đào Trí Úc, để phòng chống hành vi tra tấn cần củng cố các quyền tố tụng của bị can, bị cáo trong đó có quyền im lặng hoặc bảo đảm sự có mặt của luật sư khi lấy lời khai; cải thiện điều kiện giam giữ; tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban Tư pháp và các đại biểu Quốc hội, thậm chí nghiên cứu xây dựng một đạo luật riêng về phòng, chống tra tấn và bảo vệ nạn nhân tra tấn.

Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục để nạn nhân bị tra tấn, nhục hình, bức cung được bồi thường một cách nhanh chóng và thỏa đáng.

Cùng quan điểm trên, tiến sỹ Đào Lệ Thu (Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị nên hình sự hóa hành vi tra tấn bằng cách quy định tội danh độc lập, hình phạt phải tương tự như các tội phạm được quy định tại Chương XXIV của Bộ luật Hình sự có khung từ 10 năm đến tử hình.

Dưới góc độ thẩm phán, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Độ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đề xuất việc cụ thể hóa các biện pháp ngăn chặn, rút ngắn thời hạn tạm giam, hoàn thiện quy định về địa vị tố tụng của người bị bắt giữ, giam giữ nhằm quán triệt nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền được suy đoán vô tội, quyền được giúp đỡ pháp lý.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có quy định rõ hơn các trường hợp được hỏi cung vào ban đêm; ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo; luật hóa các biện pháp nghiệp vụ được áp dụng trong quá trình hỏi cung bị can; mở rộng khả năng tham gia của người bào chữa trong hoạt động điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục