Kiến nghị hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm

Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, có cơ chế, chính sách phù hợp để các cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra.
Kiến nghị hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm ảnh 1Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Trí phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.

Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, có cơ chế, chính sách phù hợp để các cơ sở y tế mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua.

Đại biểu Lê Minh Trí (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, tháo gỡ nhanh những vướng mắc, bất cập phát sinh hiện nay.

Thời gian vừa qua đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và đã xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây hậu quả, thiệt hại cho lợi ích nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cần phải kịp thời ban hành bổ sung những quy định pháp luật, cụ thể là nghị quyết, nghị định, thông tư trong từng lĩnh vực, vừa đảm bảo những lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển, sự phục vụ tốt hơn cho nhân dân.

"Cần bổ sung, tạo hành lang pháp lý để đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được an tâm," đại biểu Lê Minh Trí kiến nghị.

Bởi vừa qua, một số vụ án trong ngành y tế, khiến việc tổ chức đấu thầu đấu giá mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại.

"Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Sai thì sửa nhưng cần tiếp tục làm, nếu chúng ta để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân trong khám, chữa bệnh. Bác sỹ hiện nay có tay nghề cũng không kém gì các nước nhưng nếu không có trang thiết bị máy móc tiên tiến phù hợp để trang bị sẽ tụt hậu so với khu vực và thế giới," đại biểu nhấn mạnh và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên có chỉ đạo các cơ quan, các ngành có liên quan ban hành nghị quyết, nghị định, thông tư hướng dẫn để tháo gỡ ngay những vấn đề còn chưa ổn trong lĩnh vực này.

Qua thực tế công việc, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng băn khoăn về Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

[Quốc hội thảo luận các vấn đề về kinh tế- xã hội, thực hành tiết kiệm]

Theo quy định, "Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm."

Theo đại biểu Lê Minh Trí, quy định như trên là rất nghiêm khắc, tạo ra áp lực, tạo rủi ro cao với người thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Nghiêm khắc để cán bộ biết giữ gìn quản lý tài sản Nhà nước cho tốt, nhưng so với Điều 165 trước đây phải "cố ý làm trái gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên" mới xử lý hình sự thì Điều 219 chỉ cần vô ý hay cấp dưới đề xuất mà không kiểm soát tốt cũng có thể bị phạt tù. Đại biểu cho rằng chế tài như vậy là quá nghiêm khắc.

"Đảng vừa qua có kết luận về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Một điều luật nghiêm khắc như thế này có nên rà soát, nghiên cứu để làm sao vừa chặt chẽ trong quản lý, răn đe người có ý đồ xấu nhưng cũng tạo an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ?" - ông Lê Minh Trí đặt vấn đề.

Kiến nghị hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm ảnh 2Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu Hoàng Quốc Khánh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cho rằng, cần khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra và sớm có kết luận đúng, sai đối với vụ việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế trong toàn ngành Y tế vì "để kéo dài sẽ tạo tâm lý lo lắng, không an tâm công tác của đội ngũ cán bộ, ý bác sỹ."

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị sớm rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế để có những sửa đổi phù hợp để đội ngũ cán bộ y tế sớm ổn định tinh thần, tổ chức bộ máy vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời là nghiên cứu có chính sách đặc thù khuyến khích trọng dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước, trước mắt chưa thực hiện cải cách chế độ tiền lương theo lộ trình."

Bên cạnh đó, thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã nêu lên những điểm tích cực, kết quả đạt được, đồng thời cũng đề cập về những hạn chế, tồn tại ở các lĩnh vực cần được xử lý quyết liệt hơn, kịp thời hơn để mang lại hiệu quả cao hơn.

Đó là về vấn đề chậm giải ngân, thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội; Giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch - một vấn đề mà gần như kỳ họp nào cũng được đặt lên bàn nghị sự như một hạn chế phải xử lý. Các đại biểu đề nghị quản lý tốt các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách, sai phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục