Kiến nghị kịp thời để giải quyết bất cập về quản lý, sử dụng ngân sách

Tại phiên họp về Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2021, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh báo cáo cần kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề như việc sửa đổi văn bản pháp luật, trách nhiệm người đứng đầu.
Kiến nghị kịp thời để giải quyết bất cập về quản lý, sử dụng ngân sách ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Báo cáo Quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế-xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết quyết toán thu Ngân sách Nhà nước tăng 233.327 tỷ đồng (17,2%) so với dự toán, tỷ lệ động viên thu Ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP; thu nội địa tăng 179.781 tỷ đồng (15,9%) so với dự toán; tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu Ngân sách Nhà nước đạt 82,5%.

[Tổng cục Thuế: Chủ động trong điều hành thu ngân sách Nhà nước]

Quyết toán chi đầu tư phát triển Ngân sách Trung ương giảm 13,5% so với dự toán, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các dự án ODA gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, phê duyệt hồ sơ của một số nhà tài trợ kéo dài, nên không có khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn được giao, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi Ngân sách Nhà nước; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết đến 31/12/2022 các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 22.492,1 tỷ đồng, đạt 88,57%; kiến nghị xử lý khác được thực hiện 33.284,7 tỷ đồng, đạt 80,08 %.

Về sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, 50/198 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.

Đối với kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, 57/95 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Bộ Tài chính rà soát, làm rõ để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xử lý theo quy định đối với một số khoản chi chuyển nguồn đã được hội đồng nhân dân các địa phương phê chuẩn: số liệu chi chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19; Những khoản chi chuyển nguồn hạch toán tại tiểu mục "Kinh phí khác" chưa được phân tích…

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết nhiều ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, quyết toán thu ngân sách nhà nước đạt kết quả như trên là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt ấn tượng với kết quả thu cân đối xuất nhập khẩu (tăng 21,2% so với dự toán).

Nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu Ngân sách Nhà nước năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước.

Về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với quyết toán ngân sách nhà nước niên độ 2020 và 2019 trở về trước, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách thấy rằng còn nhiều kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/12/2022 của các Bộ, ngành, địa phương (79.385,1 tỷ đồng chưa thực hiện).

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; làm rõ trách nhiệm đối với các Bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát bảo đảm việc khoanh nợ, xóa nợ thuế theo đúng quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14. Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm toán các thông tin số liệu báo cáo của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 khi thực hiện tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tương đối hợp lý về hình thức, bố cục, Bộ Tài chính cần phối hợp để thống nhất về số liệu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ các vấn đề đặt ra vẫn là những vấn đề cũ, chưa làm rõ việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các vấn đề nan giải này trong năm vừa qua.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, cần phân tích rõ nguyên nhân thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa đạt có phải do ý thức của đơn vị thực hiện; đồng thời, cần quan tâm đến chất lượng báo cáo, cần có chế tài xử lý các đơn vị, cơ quan chưa thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giải trình về lý do Bộ Y tế chậm nộp báo cáo quyết toán, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết một phần nguyên nhân các đơn vị nộp chậm do thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 có nhiều sự việc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra về công tác cán bộ, lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự tập trung chỉ đạo công tác chỉ đạo nộp lên Bộ Y tế.

Kiến nghị kịp thời để giải quyết bất cập về quản lý, sử dụng ngân sách ảnh 2Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 2,58%, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống bộ phận người lao động gặp khó khăn phải thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Trong điều kiện đó, tổng thu ngân sách vượt dự toán 12,7%, tỷ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ của Nhà nước, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, kỷ luật thu chi ngân sách Nhà nước từng bước được thực hiện cải thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần đánh giá đúng tình hình khi đưa ra Quốc hội để đánh giá về một năm ngân sách, cần có đánh giá đúng mực, rõ địa chỉ và nhận định đúng tình hình.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mỗi năm có những đặc điểm và tình hình riêng nên các báo cáo cần làm rõ, kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề đã nêu như việc sửa đổi các văn bản pháp luật, rõ trách nhiệm người đứng đầu, các vấn đề về chỉ đạo việc thực hiện các kết luận của kiểm toán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục