Tiếp tục Chương trình kỳ họp, chiều 28/5, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo tóm tắt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018...
Tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn tồn tại
Trình bày báo cáo tóm tắt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết với sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 đạt kết quả toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.
Trong đó, chỉ tiêu mức tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,08% (kế hoạch giao tăng 6,5%-6,7%) là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, nhờ đó tác động tích cực đến thu, chi ngân sách nhà nước.
[Kỳ họp thứ 9: Các đại biểu tranh luận về kiểm toán đối với dự án PPP]
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2018 đã được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cơ bản đảm bảo kinh phí đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, xói lở bờ sông, bờ biển, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, công tác quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số cơ quan, đơn vị. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định, từ chối thanh toán 96 tỷ đồng.
Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn chậm so với quy định. Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng, tổng số chi 1.523.200 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 8,5%.
Nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao. Nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Việc vượt dự toán thu lớn cho thấy sự cố gắng của Chính phủ song cũng cho thấy chất lượng dự báo, xây dựng dự toán chưa cao.
Các khoản thu về nhà, đất, tài nguyên, thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước.
Điều này cho thấy, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, các giải pháp Chính phủ đưa ra vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực.
Năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội.
Mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế. Tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để.
Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch. Quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm. Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra.
Chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước và kết dư ngân sách địa phương lớn, có xu hướng gia tăng, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Từ tình hình trên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội; kiến nghị Quốc hội chấp thuận, quyết định phân bổ chi tiết cho 33 bộ, ngành khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại 5.370,58 tỷ đồng và cho phép quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 theo quy định.
Nhiều cơ quan, địa phương sai phạm trong sử dụng ngân sách
Trình bày báo cáo tóm tắt Kiểm toán quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, tổng hợp kết quả chính từ 268 báo cáo kiểm toán của 214 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 18.884 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.
15/45 địa phương ứng trước dự toán ngân sách Trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi 10.843 tỷ đồng. 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi đến 31/12/2018 là 7.534 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...
Qua kiểm toán 2.013 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 9.447 tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.
Nổi bật là cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công.
Công tác thu xếp vốn tín dụng của Nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án...
Công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện.
Nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; hầu hết các bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA...
Một trong những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước là đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong đó kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với niên độ ngân sách 2018 là 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 8.151 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 18.884 tỷ đồng và xử lý tài chính khác 54.060 tỷ đồng./.