Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2014 ước đạt 30,8 tỷ USD

Tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2014 ước đạt 30,8 tỷ USD ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.

Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm trước.

Theo đánh giá chung từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 dù hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá trị so với năm trước nhưng đây tiếp tục là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu.

Nhu cầu nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012 do các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật, Philippines... phục hồi tăng trưởng chậm, sức mua thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của ngành.

Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản và lâm sản đã tăng mạnh về giá trị nên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn tăng khá mạnh.

Cụ thể, đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản giá trị xuất khẩu cả năm 2014 ước đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm trước. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,81% tổng giá trị xuất khẩu.

Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước cả năm 2014 đạt 6,2 tỷ USD tăng 11,1% so với năm trước. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là ba thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam - chiếm hơn 66% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.

Càphê cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, ước cả năm xuất khẩu đạt 1,73 triệu tấn với giá trị 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 33,2% về giá trị so với năm 2013.

Giá càphê xuất khẩu bình quân đạt 2.096 USD/tấn, tương đương so với năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Một số mặt hàng xuất khẩu khác tăng về giá trị so với năm trước như: rau quả đạt 1,47 tỷ USD, (tăng 34,9%), hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD (tăng 34,1%); hạt điều đạt 2 tỷ USD, (tăng 21,1%).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng cũng có sự sụt giảm giá trị xuất khẩu như gạo đạt 3,0 tỷ USD, giảm 1,9%; cao su đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28,9%.

Hướng tới mục tiêu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động xây dựng các chương trình để triển khai các điều ước và thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương và hội nhập đã và sẽ ký kết; Thực thi đầy đủ cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA khu vực.

Cùng với đó, Việt Nam tham gia tích cực đàm phán các Hiệp định tự do thương mại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường; cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các quốc gia khác và diễn biến của từng thị trường để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng giá trị gia tăng cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông lâm thuỷ sản Việt Nam trên thị trường. Đồng thời, phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật từ các nước nhập khẩu để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục