Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đảo chiều giảm

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 4 đã giảm 16% so với tháng 3, đạt 4,5 tỷ USD, sau khi tăng liên tiếp trong hai tháng trước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 4 đã giảm 16% so với tháng 3, đạt 4,5 tỷ USD, sau khi tăng liên tiếp trong hai tháng trước.

Hoạt động xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng chủ lực bị chững lại hoặc giảm do thị trường bị thu hẹp được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự đảo chiều bất ngờ này. 

Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt trên 18,6 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ có mặt hàng gạo là vẫn giữ được tiến độ xuất khẩu với số lượng và kim ngạch xuất khẩu đều đạt mức cao. Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch trên 1,16 tỷ USD, tăng gần 50% về lượng và 44% trị giá so với cùng kỳ năm 2008.

Tiếp đến là nhóm hàng dệt may, với mức tăng không đáng kể là 1,8% so với cùng kỳ năm 2008. 

Điều đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu của khá nhiều mặt hàng chủ lực thuộc “Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô” của Việt Nam đều giảm mạnh từ 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái bao gồm: điện tử và linh kiện máy tính; giày dép; cà  phê; nhân điều; sản phẩm chất dẻo...

Mặt hàng cao su hiện có mức giảm mạnh nhất tới 45,5%, kế đến là dầu thô giảm 44,7%. 

Nếu như trước đây, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, thì từ tháng 2 đến nay, mức đóng góp này đã giảm, đồng nghĩa với việc vị trí đầu tàu trong hoạt động xuất khẩu đã được nhường lại cho khu vực kinh tế trong nước với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 đạt trên 10,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 27%. 

Trong khi xuất khẩu trong tháng 4 giảm, nhập khẩu lại có xu hướng tăng trở lại với giá trị nhập khẩu đạt 5,2 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu trên 17,8 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng, giảm tới 41% so với năm ngoái. Với kết quả này, Việt Nam vẫn xuất siêu trên 800 triệu USD. 

Trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp tăng cường áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng mạnh vào thị trường nội địa, đồng thời chủ động đánh giá tình hình thị trường để tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất và xuất khẩu./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục