Kinh tế APEC sẽ giảm 2,7% do tác động của dịch COVID-19

Theo Ban Thư ký APEC, ước tính tăng trưởng kinh tế của tổ chức gồm 21 nền kinh tế thành viên này sẽ giảm 2,7% trong năm nay do tác động của dịch COVID-19.
Kinh tế APEC sẽ giảm 2,7% do tác động của dịch COVID-19 ảnh 1(Nguồn: malaysiakini.com)

Ban Thư ký Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ước tính tăng trưởng kinh tế của tổ chức gồm 21 nền kinh tế thành viên này sẽ giảm 2,7% trong năm nay do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ APEC đạt tốc độ tăng trưởng gần bằng 0 vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong năm ngoái, nhóm các nền kinh tế APEC ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 3,6%.

APEC bao gồm 21 nền kinh tế thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

[Một loạt hội nghị của APEC ở Malaysia phải điều chỉnh lịch do COVID-19]

Trong báo cáo của Ban Thư ký APEC công bố mới đây, tỷ lệ thất nghiệp của APEC dự kiến sẽ tăng từ 3,8% năm ngoái lên 5,4% trong năm nay, với khoảng 23,5 triệu người bị mất việc làm.

Bà Rebecca Sta Maria, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC có trụ sở ở Singapore, cho biết APEC đang ở tuyến đầu khi đối mặt với đại dịch COVID-19 với các thành viên bao gồm những nền kinh tế đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Một cuộc khủng hoảng với mức độ nghiêm trọng chưa từng có đòi hỏi phản ứng với quy mô chưa từng có.

Theo ước tính, các kinh tế APEC sẽ phục hồi trong năm 2021, với tốc độ tăng trưởng đạt 6,3%, cao hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến là 5,8%. Tuy nhiên, sự phục hồi có khả quan hay không phụ thuộc vào tính hiệu quả của các cơ chế ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 cũng như biện pháp kích thích kinh tế.

Bà Sta Maria nhận định các nền kinh tế APEC đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp tài chính và tiền tệ để đối phó với thách thức này. Trọng tâm hiện nay là các thành viên APEC cùng phối hợp và hợp tác đa phương để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục