Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Morgan Stanley dự báo đến cuối năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á có thể bỏ xa các nước phát triển tới 5%.
Theo báo cáo công bố ngày 12/4 của Morgan Stanley, châu Á sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất - kể từ năm 2017 - chủ yếu là nhờ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, nhu cầu cầu nội địa được duy trì và lãi suất phần nào được nới lỏng.
Chuyên gia kinh tế Chetan Ahya, người đứng đầu chi nhánh Morgan Stanley tại châu Á, nhận định áp lực mà ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đang hứng chịu gần đây càng cho thấy năng lực vượt trội của châu Á.
Chuyên gia này cho rằng: “Các tiêu chuẩn cho vay sẽ bị thắt chặt ở Mỹ và châu Âu, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nội địa.” Ông Ahya đánh giá tình hình trên sẽ ảnh hưởng nhất định tới châu Á, chủ yếu do khu vực này sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và châu Âu, nơi nhu cầu nội địa giảm mạnh.
[ADB nâng dự báo về triển vọng kinh tế khu vực châu Á đang phát triển]
Tuy nhiên, theo ông, nhu cầu nội địa vững chắc của châu Á giúp khu vực này có thể tạo ra động lực cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng mạnh.
Theo báo cáo của Morgan Stanley, mức tăng trưởng của châu Á cao hơn 5% so với các thị trường phát triển là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2017.
Báo cáo cũng phân tích một lý do khác góp phần tạo thành công châu Á. Trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất mạnh nhất, lần lượt là 475 điểm phần trăm và 350 điểm phần trăm, nhằm kiềm chế lạm phát, mặt bằng tăng lãi suất ở châu Á có phần thấp hơn, nhờ vậy không kiềm chế tăng trưởng.
Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đang mang lại lợi ích cho các nước châu Á khác, trong khi ba nền kinh tế lớn khác của châu Á là Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia đều có những nhân tố kinh tế đặc biệt để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa./.