Nền kinh tế Nga đã phải đối mặt với những cú sốc lớn từ bên ngoài sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine vào đầu năm 2022.
Đó là một số thị trường xuất khẩu truyền thống đóng cửa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, việc tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu gặp trở ngại, giá hàng hóa và tỷ giá biến động mạnh.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga cho đến nay nhìn chung vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực.
Tại một cuộc họp về các vấn đề kinh tế vào tháng 7/2024, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết tăng trưởng GDP của nước này đạt 5% trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn đáng kể so với dự báo.
Trong tháng 5/2024, tăng trưởng GDP nhích nhẹ so với tháng 4/2024, lên 4,5%.
Ông Mishustin cho biết động lực tăng trưởng của kinh tế Nga vẫn cao. Theo ông, các con số trong lĩnh vực kinh tế thực cũng khá tích cực.
Trong giai đoạn từ tháng 1-5/2024, lĩnh vực sản xuất của Nga tăng gần 9%. Chế tạo máy được đánh giá như một trong những động lực chủ chốt trong lĩnh vực này với tốc độ tăng trưởng 2 chữ số.
Thủ tướng Nga nhấn mạnh điều rất quan trọng là đầu tư tiếp tục tăng, đặt cơ sở tốt cho tương lai. Cuối quý 1/2024, đầu tư tăng gần 15%, chủ yếu vào các lĩnh vực máy móc, thiết bị, tài sản trí tuệ.
Thủ tướng Nga cho biết thêm, hoạt động tiêu dùng ở mức rất cao, chủ yếu do thu nhập của người dân tăng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến lạm phát tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 1/7, lạm phát của Nga tăng lên 4,5%.
Ông nhấn mạnh vấn đề lạm phát cần phải được giải quyết vì các tiêu chuẩn sống của người dân phụ thuộc vào điều này. Ông yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình vĩ mô và nếu cần, điều chỉnh tức thời kế hoạch hành động trong vấn đề lạm phát với sự phối hợp của Ngân hàng trung ương Nga (CBR).
Trong bối cảnh có những lo ngại về lạm phát dai dẳng và các cảnh báo về tình trạng "quá nóng" của nền kinh tế, số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Rosstat cho thấy tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nga chậm lại trong quý 2/2024.
Tăng trưởng GDP của Nga giảm từ 5,4% trong quý 1/2024 xuống 4% trong quý II/2024 , mức thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Trong khi đó, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi tăng lên 9,13% trong tháng 7/2024, so với mức 8,59% trong tháng 6/2024 và là mức cao nhất kể từ tháng 2/2023.
Việc Chính phủ Nga tăng chi tiêu cho quốc phòng kể từ khi nổ ra xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ đó tránh được suy thoái như các dự báo ban đầu vào năm 2022 do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, việc tăng mạnh chi tiêu đã khiến lạm phát trong nước leo thang, buộc CBR phải tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất quyết liệt trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ không bền vững do việc chính phủ tăng chi ngân sách.
CBR đã tăng lãi suất chủ chốt lên 18% trong tháng 7/2024, mức cao nhất kể từ khi tăng khẩn cấp lên 20% vào tháng 2/2022.
Thống đốc CBR Elvira Nabiullina đã nói nền kinh tế có dấu hiệu "quá nóng" và nêu lên những khó khăn trong thanh toán quốc tế, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Tây, cho đây là một yếu tố khác khiến lạm phát tăng.
Tuyên bố của Ngân hàng trung ương Nga nhấn mạnh lạm phát đã tăng nhanh và đang tăng đáng kể so với dự báo của ngân hàng đưa ra vào tháng 4/2024. Ngân hàng này đã nâng dự báo lạm phát năm 2024 lên 6,5-7%.
CBR lưu ý rằng lạm phát sẽ giảm "chậm hơn so với dự kiến trước đó", nhưng có khả năng sẽ quay trở lại mục tiêu vào cuối năm 2025, khi giảm xuống 4-4,5%.
Theo CBR, tăng trưởng nhu cầu trong nước tiếp tục vượt đáng kể so với khả năng tăng trưởng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. Nhằm đưa lạm phát giảm, việc tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ là cần thiết
Về tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, một nghiên cứu mới của Trung tâm Phân tích Kinh tế vĩ mô và Dự báo ngắn hạn cho thấy những tổn thất chính thuộc về các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu và được lợi là những công ty đảm bảo cho nhu cầu trong nước.
Các chuyên gia nhận định động lực hiện nay cho thấy sự phân chia này của các doanh nghiệp Nga sẽ còn tiếp tục. Sự hỗ trợ của chính phủ và nhu cầu trong nước sẽ vẫn là điều kiện then chốt cho tăng trưởng sản xuất.
Một số ngành đã có những chuyển biến tích cực. Quá trình thay thế nhập khẩu được đẩy nhanh, các chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp được triển khai, giúp bù đắp cho mức lãi suất cao trên thị trường.
Giám đốc Bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Alfred Kammer, cho biết IMF ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh mẽ của nền kinh tế Nga, nhờ hoạt động kinh tế tích cực do xuất khẩu dầu vẫn mạnh trong bối cảnh giá cao, tiêu dùng phục hồi, thị trường lao động ổn định và tiền lương thực tế đang tăng lên./.
Kinh tế Nga dự báo tăng trưởng hơn 3% trong quý 3
Theo dự báo trung hạn của Ngân hàng Trung ương Nga được công bố vào ngày 7/8, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 4,4% trên cơ sở hàng năm và dự kiến sẽ tăng 3,2% trong quý 3/2024