Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đà phục hồi mạnh, GRDP tăng 3,82%

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đà phục hồi mạnh, GRDP tăng 3,82% ảnh 1Quá trình phục hồi kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng. (Nguồn: TTXVN)

Quá trình phục hồi kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực.

Nội dung trên được nêu ra tại Hội nghị về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sáng 29/6.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích từ mức giảm sâu ở quý 3, 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% thì 6 tháng đầu năm 2022, GRDP tăng 3,82% (trong đó quý 2/2022 ước tăng 5,73%), phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định. Điều này cho thấy quá trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế-xã hội đã trở lại như trước khi có dịch.

Về tốc độ tăng trưởng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77% so với cùng kỳ; công nghiệp-xây dựng tăng 2,23%; trong đó, ngành công nghiệp khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế với mức tăng 4,04%; thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 4,83% so với cùng kỳ, chứng tỏ dấu hiệu hồi phục sau đại dịch COVID-19, trong đó có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% cùng kỳ. Chương trình bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả, không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, sau thời gian chững lại trong quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã tăng trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% cùng kỳ.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến nay, tuy tốc độ tăng còn chậm nhưng đã có sự hồi phục tương đối đồng đều giữa các ngành; 20/30 ngành công nghiệp cấp hai có mức tăng trưởng dương.

Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số IIP ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,1%, cao hơn 4 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ hầu hết các ý kiến đánh giá của chuyên gia đều cho rằng kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã phục hồi nhanh, đồng bộ. Các sở ngành, quận huyện đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để hoạt động kinh tế xã hội thông suốt, tạo công ăn việc làm, thu nhập, tăng thu ngân sách.

[Phát triển kinh tế TP.HCM: Tìm nguồn lực cho hạ tầng giao thông]

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố sẽ rà soát và quyết liệt thực hiện để đạt 19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 mà Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua.

Thành phố cũng tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chương trình theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (51 đền án, chương trình); trong đó quyết tâm đến tháng 10/2022 (tròn 2 năm sau Đại hội), tất cả các đề án, chương trình phải đưa vào thực hiện trong thực tế.

Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các dự án đầu tư công, có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giải ngân vốn đầu tư công.

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp đà phục hồi mạnh, GRDP tăng 3,82% ảnh 2Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Để tiếp tục đà phục hồi kinh tế, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó xác định sẽ phát huy vai trò của các Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho từng đối tượng như: tổ công tác về đầu tư; tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp; Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI...

Thành phố cũng xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2025 và Đề án hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 không chỉ là hoàn thành chỉ tiêu cả năm mà còn chuẩn bị nền tảng, tạo đà tốt để Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục