Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 15/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự án Luật Lâm nghiệp.
Bảo đảm nguồn lực cho quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
Với 87,78% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Lâm nghiệp. Luật gồm 12 chương, 108 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Về chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, Nhà nước tổ chức, hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sản xuất; giống cây trồng lâm nghiệp, phục hồi rừng, trồng rừng mới; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dịch vụ môi trường rừng; trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; kết cấu hạ tầng; quản lý rừng bền vững; chế biến và thương mại lâm sản; hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; sản xuất lâm nghiệp hữu cơ; bảo hiểm rừng sản xuất là rừng trồng.
Nhà nước bảo đảm cho đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ, phát triển rừng với chủ rừng và được chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ.
Giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Lâm nghiệp,.
Đối với phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), theo Báo cáo giải trình, có ý kiến đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng”, “dịch vụ môi trường rừng" vào phạm vi điều chỉnh của Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bao hàm các nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, được thể hiện trong các hoạt động theo chuỗi giá trị lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng đến chế biến, thương mại lâm sản và dịch vụ môi trường rừng, theo đó, Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
Về dịch vụ môi trường rừng (mục 4 Chương VI), những hoạt động lâm nghiệp được sử dụng ngân sách Nhà nước (Điều 93), Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (Điều 95), có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi và sự tương xứng giữa quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng; làm rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong điều tiết tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trách nhiệm xử lý trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ không bảo đảm quyền cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng; trách nhiệm của bên nhận nhiệm vụ ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng.
[Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hai dự thảo Luật]
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nêu rõ, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được quy định trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Nghị định số 99/2010/NĐ-CP và thực hiện ổn định hơn 7 năm qua ở các địa phương có rừng. Hiện tại, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng hàng năm là trên 1.200 tỷ đồng, được chi trả cho hơn 500.000 chủ rừng, chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư để quản lý, bảo vệ trên 5,7 triệu ha rừng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm hợp lý giữa quyền và nghĩa vụ của các bên, dự thảo Luật đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (Điều 64); quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng (Điều 65); đồng thời quy định những nội dung cơ bản trong quản lý chi trả dịch vụ môi trường rừng như loại dịch vụ môi trường rừng (Điều 61), nguyên tắc chi trả (Điều 62), đối tượng, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng (Điều 63), cơ quan nhận ủy thác để chi trả dịch vụ môi trường rừng (khoản 2 Điều 64) đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó có quy định về cơ quan có thẩm quyền quản lý, điều tiết tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; trách nhiệm của bên nhận nhiệm vụ ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng để phù hợp với từng cấp quản lý.
Xung quanh ý kiến đề nghị cần cân nhắc không nên quy định cụ thể về chi ngân sách Nhà nước đối với hoạt động lâm nghiệp để tránh xung đột với Luật Ngân sách Nhà nước và pháp luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và quy định thể hiện trong dự thảo Luật như sau: Căn cứ vào yêu cầu quản lý, phát triển lâm nghiệp và khả năng của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định những hoạt động được sử dụng ngân sách Nhà nước.
Việc lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán và giám sát ngân sách Nhà nước cho lâm nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Đối với ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; cần quy định rõ Nhà nước có hỗ trợ vốn điều lệ của Quỹ này hay không; rà soát các quy định cụ thể về nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là quỹ ngoài ngân sách Nhà nước, được thành lập và thực hiện ổn định hơn 9 năm qua theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ với các hạng mục chi không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước đối với cùng một đối tượng.
Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được tổ chức ở 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh. Đến nay, 41 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng với tổ chức ổn định, hoạt động có hiệu quả.
Do vậy, dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính hình thành Quỹ (khoản 4 Điều 95). Riêng nội dung chi của Quỹ được chi theo từng nguồn tài chính hình thành Quỹ nên rất đa dạng, khó quy định chi tiết nên dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế quản lý sử dụng tài chính của Quỹ và thể hiện như tại khoản 6 Điều 95./.