Kỳ lạ hiện tượng nhận lương để làm "con ngoan" ở Trung Quốc

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở các khu vực thành thị của Trung Quốc đạt mức kỷ lục, công việc mang tên “con cái toàn thời gian” đang là xu hướng mới nổi tại nước này.
Kỳ lạ hiện tượng nhận lương để làm "con ngoan" ở Trung Quốc ảnh 1Công việc 'con cái toàn thời gian' của một vlogger Trung Quốc. (Nguồn: CNA)

Từ đầu năm, một ngày bình thường của vlogger Trương Gia Di diễn ra như sau: đi dạo với bố mẹ vào buổi sáng rồi cùng bố mẹ đi chợ mua đồ, chuẩn bị bữa trưa, chợp mắt một chút trước khi làm những việc lặt vặt khác trong nhà.

Khi làm con trở thành một công việc được trả lương

Cô gái 31 tuổi này thực tế đang làm công việc mang tên “con cái toàn thời gian.” Đây là một xu hướng mới nổi lên gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở các khu vực thành thị nước này đạt mức kỷ lục.

Theo Trương Gia Di, bố mẹ đẻ "trả lương" cho cô 8.000 Nhân dân tệ mỗi tháng cho công việc trên. Con số này thấp hơn 20% so với mức lương trung bình của sinh viên mới ra trường ở thành phố Hàng Châu.

Gia Di chia sẻ mấy năm trước, cô từng mở cửa hàng bán quần áo, tuy nhiên, đã phải đóng cửa do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Gia Di cho rằng mục đích của việc làm con cái "toàn thời gian" không phải chỉ để nhận tiền từ bố mẹ. Cô khẳng định bản thân thực sự muốn được ở bên bố mẹ và tận hưởng khoảng thời gian ở bên họ. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng mức lương mà cha mẹ trả cho mình là "xứng đáng."

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 tại thành thị đã tăng lên 21,3% trong tháng 6, cao gấp 5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 đến 59 tuổi (4,1%).

Mùa Hè này, có khoảng 11,6 triệu cử nhân sẽ tham gia vào thị trường lao động Trung Quốc. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong tương lai.

Các chuyên gia cho biết sự phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc sau thời gian dài phong tỏa vì đại dịch là một phần nguyên nhân dẫn đến tình cảnh hiện tại. Tuy nhiên đây không phải nguyên nhân duy nhất.

Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học ở Trung Quốc đã tăng từ 30% vào năm 2012 lên gần 60% vào năm ngoái.

Theo Tiền Nam Quân, Giáo sư Kinh tế Quản lý và Khoa học Quyết định tại Trường Quản trị Kellogg, Đại học Northwestern, Mỹ, người trẻ ở Trung Quốc đang được đào tạo để làm những công việc "cao cấp" - công việc liên quan đến khoa học công nghệ hoặc những công việc đòi hỏi trình độ học vấn cao.

Nhưng sự giảm tốc của nền kinh tế đồng nghĩa với việc nguồn cung những công việc trên ngày càng khan hiếm.

Kỳ lạ hiện tượng nhận lương để làm "con ngoan" ở Trung Quốc ảnh 2Nhiều thanh niên Trung Quốc gặp khó khăn trong tìm việc làm phù hợp. (Nguồn: CNA)

Chu Hồng, Giáo sư Marketing và Thương mại Điện tử tại Đại học Nam Kinh cho rằng cấu trúc nền công nghiệp Trung Quốc "vẫn chưa hoàn thành quá trình dịch chuyển từ các ngành thâm dụng lao động và lao động cấp thấp sang các ngành công nghệ, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.”

Kết quả là, nhiều sinh viên mới ra trường, bao gồm cả những người có bằng thạc sỹ, đang phải làm tài xế lái xe dịch vụ và nhân viên giao đồ ăn để có tiền trang trải cuộc sống.

Giáo sư Chu Hồng thậm chí đã bắt gặp nhiều sinh viên từ các trường danh tiếng như Đại học Thanh Hoa nộp đơn xin làm nhân viên vệ sinh, vốn “thường chỉ yêu cầu trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở.”

Chuyên gia Bernard Aw từ Công ty Bảo hiểm Tín dụng Coface, chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn đến mức thất nghiệp như hiện nay là do chính sách siết chặt quản lý đối với nhiều ngành công nghiệp, vốn thường tuyển dụng một số lượng đáng kể lao động trẻ, như bất động sản, tài chính và giáo dục tư nhân.

Tình cảnh hiện nay khiến hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lời kêu gọi thế hệ trẻ không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong lá thư của ông gửi tới các sinh viên.

Trước lạ sau quen

Giống như bất kỳ công việc nào khác, Trương Gia Di cũng phải trải qua một thời gian học hỏi để có thể thích nghi với vai trò là một người con "toàn thời gian." Lúc mới bắt đầu, các công việc như nấu ăn, lái xe và đi chợ là những điều hoàn toàn mới mẻ và xa lạ với cô.

Gia Di chia sẻ ban đầu cô thậm chí còn không thể phân biệt được các loại rau khác nhau ở nhà. Thế nhưng dần dần khi đã có kinh nghiệm, cô cho rằng các nhiệm vụ này không khó như cô tưởng tượng.

Giáo sư Chu Hồng cho rằng không phải tất cả những ai chọn công việc làm con cái "toàn thời gian" đều thất nghiệp. Có thể có nhiều lý do khác nhau đằng sau sự lựa chọn này.

"Một số người lựa chọn trở về quê hương, tạm rời xa chốn thành thị, nơi lương thì thấp, công việc thì mệt mỏi, sức khỏe cứ sa sút dần, quãng đường hàng ngày đi tới cơ quan xa xôi mà tương lai thì mù mịt, hoàn toàn không có triển vọng,” ông chia sẻ.

Với nhiều người khác, nguyên nhân là do họ có chỗ dựa tài chính vững chắc từ gia đình, cũng như có tiêu chuẩn lựa chọn công việc cao.

Theo Giáo sư Tiền Nam Quân, một số người ở thành thị có ông bà, cha mẹ sở hữu nhiều bất động sản. Khối “gia tài nhỏ” này có thể lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD nếu nằm ở trung tâm thành phố.

Đối với những người này, tài chính không phải là vấn đề làm họ quá lo lắng. Điều này góp phần làm giảm áp lực kiếm việc làm, cho phép họ có quyền lựa chọn nhiều hơn. Họ có thể theo đuổi những công việc phù hợp hơn với lý tưởng, sở thích và nguyện vọng của mình mà không phải lo lắng về vấn đề ăn mặc.

Kỳ lạ hiện tượng nhận lương để làm "con ngoan" ở Trung Quốc ảnh 3Các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. (Nguồn: CNA)

Trác Phi, sinh viên Học viện Cảnh Đan, Đại học Công nghệ Bắc Kinh, cho biết những người trẻ ngày nay muốn có “thu nhập hợp lý” nhưng không muốn làm thêm giờ hay đảm nhận khối lượng công việc quá nặng nề.

Nhưng hầu hết các công ty, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, đều yêu cầu làm thêm giờ và thường không trả lương ngoài giờ, Trác Phi chia sẻ.

Theo các chuyên gia, sẽ có nhiều hệ lụy nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều năm.

Giáo sư Chu Hồng bày tỏ lo ngại về những hậu quả tiềm tàng của phong trào này. Bà tự hỏi một khi nền kinh tế phục hồi trở lại, liệu những người con "toàn thời gian" này, sau khi đã rời xa công việc cũng như đời sống xã hội bên ngoài quá lâu, có bị mất động lực quay trở lại thị trường lao động do lối tư duy nằm yên mặc kệ đời?

"Ở đây, giáo sư Chu Hồng đang đề cập đến hiện tượng "bai lan" (thờ ơ với thế sự).

"Bai lan", nghĩa đen là "mặc kệ cho mọi thứ mục nát," đề cập tới việc nhiều người trẻ ở Trung Quốc trở nên vỡ mộng, cảm thấy lạc lõng và chán nản trước cái guồng quay tất bật và hối hả của một cuộc sống ngày càng cạnh tranh và áp lực.

Như một phản ứng tự nhiên, họ quay lưng lại, chấp nhận từ bỏ việc cố gắng theo đuổi những cuộc đua bất tận mà vô nghĩa, chọn bước ra khỏi vòng lặp luẩn quẩn của cuộc bon chen và chỉ làm những gì cần thiết để tồn tại. Điều này tương tự với hiện tượng "âm thầm nghỉ việc" ở một số nước khác.

Gia Di chia sẻ, hiện tại, gia đình “rất ủng hộ” quyết định của cô: “Ngay cả khi tôi kiếm được ít tiền hơn, họ tin rằng những giá trị tinh thần mang lại còn quan trọng hơn.”

Cơ hội ở nông thôn?

Trong suốt sáu năm qua, ở vùng nông thôn Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Uông Tinh Vũ tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo và phục hồi nông thôn.

Tinh Vũ, đến từ Thượng Hải, có bằng Thạc sỹ Quan hệ Quốc tế tại Đại học New York. Doanh nghiệp xã hội của Tinh Vũ mang tên Beyond the City, tham gia vào tổ chức các chuyến đi nghiên cứu thực tế cho các bạn trẻ ở thành thị và nông thôn, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Kỳ lạ hiện tượng nhận lương để làm "con ngoan" ở Trung Quốc ảnh 4Các bạn trẻ thành phố trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn. (Nguồn: CNA)

Trong chuyến đi đến các vùng nông thôn, các bạn đến từ thành thị sống chung với các hộ gia đình bản địa và tìm hiểu về hệ sinh thái, nghề thủ công truyền thống ở địa phương cũng như nhiều chủ đề khác. Ở chiều ngược lại, các bạn trẻ từ nông thôn tìm hiểu về những cơ hội và thách thức khi chuyển từ quê ra thành phố.

Số người di cư từ nông thôn ra thành thị ở Trung Quốc dường như đã có xu hướng chậm lại từ trước đại dịch COVID-19. Tới năm 2020, lần đầu tiên con số này đã giảm xuống.

Ở chiều ngược lại, trong năm 2000, ở Trung Quốc có 10,1 triệu người di cư từ thành thị về nông thôn, tăng 1,6 triệu người so với năm 2019.

[Lần đầu tiên trong hơn 2 năm, Trung Quốc chính thức rơi vào giảm phát]

Tinh Vũ cho biết nhiều bạn trẻ đang cân nhắc về quê sống. Nguyên nhân là bởi cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã được cải thiện đáng kể, đơn cử ngay ở Tương Tây cũng có mạng 5G. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ người trẻ hiện nay cũng đã cảm thấy chán ngấy trước lối sống thành thị xô bồ, tấp nập.

Chi phí sinh hoạt ở nông thôn cũng thấp hơn, trong khi thu nhập thì “có thể tương đương,” Tinh Vũ nói thêm.

Tuy nhiên, Giáo sư Chu Hồng cho rằng không phải ai cũng muốn về quê, những người về quê thường có một số lý do nhất định.

Theo bà, chỉ khi không tìm được việc làm, chi phí sống lại cao, trong hoàn cảnh như vậy, thay vì "nằm yên mặc kệ đời," "thờ ơ với thế sự" hay dựa dẫm vào cha mẹ, nhiều người mới lựa chọn di cư về vùng nông thôn.

Bà khẳng định nhiều người vẫn thích sống ở thành phố hơn, bởi lẽ cuộc sống thành thị phù hợp với nhu cầu tương tác xã hội, lối sống tự do của nhiều bạn trẻ cũng như có một sự sôi động nhất định.

Học nghệ thuật, ra làm phân tích dữ liệu

Qiu Qiu, sống ở Bắc Kinh, thì lại có mơ ước được làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Cô vừa tốt nghiệp năm nay với bằng Thạc sỹ Văn học Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình.

Qiu Qiu đã gửi hàng chục đơn xin việc tới các đài truyền hình và các công ty truyền thông, thậm chí cả các "ông lớn" trên nền tảng Internet, nhưng đều không có phản hồi. Qiu Qiu chia sẻ hầu hết các hồ sơ xin việc của cô “dường như chìm xuống vực thẳm.”

Kỳ lạ hiện tượng nhận lương để làm "con ngoan" ở Trung Quốc ảnh 5Qiu Qiu nhận công việc về phân tích dữ liệu. (Nguồn: CNA)

Qiu Qiu đã mở rộng nỗ lực tìm kiếm việc làm sang nhiều ngành khác nhau và cuối cùng đã có thể nhận được một công việc có liên quan đến phân tích dữ liệu trong lĩnh vực quản trị nhân sự.

Có được mức lương hàng tháng lên tới 14.000 NDT, thế nhưng Qiu Qiu cũng phải thừa nhận rằng công việc này không thực sự liên quan đến ngành nghề của cô.

Theo Qiu Qiu, điều quan trọng là phải giữ tinh thần cởi mở, sẵn sàng cho mọi cơ hội mở ra với mình và sẵn lòng tiếp nhận lời khuyên về sự nghiệp trong quá trình phỏng vấn.

Theo các chuyên gia, cần phải thu hẹp "khoảng cách" giữa các công việc hiện đang có sẵn và nguyện vọng nghề nghiệp lý tưởng của các bạn trẻ, cũng như "khoảng cách" giữa mức lương mong muốn và mức lương mà các công ty sẵn sàng chi trả.

Nói cách khác, hiện đang có sự khác biệt giữa những gì thị trường lao động cần và những gì người trẻ muốn làm, cũng như sự chênh lệch giữa kỳ vọng về mức lương giữa người lao động và người sử dụng lao động sẵn sàng trả.

Nina Vũ, một giám sát viên nhân sự cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo là khá lớn. Tuy nhiên, Giáo sư Tiền Nam Quân cho rằng đây có thể không phải là những công việc mà “các bạn trẻ có học thức mong muốn.”

Nina Vũ cho biết mức lương hàng tháng trung bình cho người mới vào làm trong các nhà máy thường dao động trong khoảng 2.000 đến 4.000 NDT. Con số này có thể tăng lên 7.000 đến 8.000 NDT ở các thành phố như Thâm Quyến.

Mặc dù có trình độ học vấn cao, nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc hiện nay chỉ có mức lương tương đương so với những người làm công nhân nhà máy.

Giáo sư Tiền Nam Quân kể câu chuyện về một bạn sinh viên tốt nghiệp từ một trong năm trường luật hàng đầu của Trung Quốc đang tìm việc ở Thượng Hải, một trong những thành phố đắt đỏ nhất của nước này. Thế nhưng mức lương được đề nghị chỉ dao động từ 3.000-7.000 NDT mỗi tháng.

Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19, bởi vậy tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống trong tương lai gần. Thế nhưng, Giáo sư Tiền Nam Quân cho rằng ngay cả khi điều đó xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn sẽ cao hơn so với một thập kỷ trước.

"Chúng ta nên coi điều này như một vấn đề của thế hệ", bà chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục