Kỷ nguyên chính trị mới tại Singapore: Bước chạy đà cần thiết

Việc lựa chọn Lawrence ông Wong trở thành người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của PAP đã phát đi tín hiệu về các bước đi hướng tới quá trình chuyển đổi vị trí lãnh đạo trong chính phủ Singapore.
Kỷ nguyên chính trị mới tại Singapore: Bước chạy đà cần thiết ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong được bầu làm người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore. (Ảnh: MCI/TTXVN)

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo Bộ trưởng Tài chính nước này Lawrence Wong đã được lựa chọn là người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư (4G) của đảng Hành động Nhân dân cầm quyền (PAP), mở đường cho việc kế nhiệm thủ tướng sau khi ông nghỉ hưu.

Sự lựa chọn này được đưa ra một năm sau khi Phó Thủ tướng Heng Swee Keat thông báo quyết định từ bỏ vai trò lãnh đạo nhóm 4G.

Quá trình lựa chọn vị trí này đã được thực hiện một cách có hệ thống và kỹ lưỡng, cho phép những người tham gia đưa ra quan điểm và sự cân nhắc của mình một cách khách quan, đồng thời giúp củng cố sự đoàn kết trong nội bộ đảng.

19 người gồm các bộ trưởng nội các, không tính Thủ tướng Lý Hiển Long, trong đó có hai bộ trưởng cấp cao cùng Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin và Tổng Thư ký Đại hội Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) Ng Chee Meng (vốn là hai cựu bộ trưởng của PAP), đã được cựu Chủ tịch đảng, Khaw Boon Wan, trao đổi riêng về quyết định của mình.

Mỗi cuộc trao đổi kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Toàn bộ quá trình lựa chọn này diễn ra trong ba tuần. Các bộ trưởng được yêu cầu lựa chọn ưu tiên và phải xếp hạng những ứng cử viên tiềm năng theo thứ tự ưu tiên của mình.

Các cuộc thảo luận được trao đổi một cách thẳng thắn về những điểm mạnh và điểm yếu của từng ứng cử viên tiềm năng. Ông Wong nhận được sự ủng hộ của 15/19 bộ trưởng (79% số phiếu). Không có chính khách nào khác nhận được nhiều hơn 2 phiếu bầu.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đây là lần thứ ba các nhà lãnh đạo PAP thực hiện quy trình này, vốn trước đó được thực hiện theo những cách thức khác nhau.

Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong đã được các đồng nghiệp chọn làm lãnh đạo nhóm thế hệ thứ hai của PAP tại một cuộc họp không chính thức sau cuộc bầu cử năm 1984, trong khi một nhóm bộ trưởng đã quyết định Thủ tướng Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba trong một bữa ăn trưa.

Nhà lãnh đạo Singapore đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển giao chính trị mà ông cảm thấy không thể trì hoãn thêm nữa vì những bất trắc và thách thức mà Singapore đang phải đối mặt.

[Đảng cầm quyền Singapore lựa chọn người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ 4]

Theo ông, quyết định về việc chuyển giao này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Singapore, đảm bảo sự tiếp nối và ổn định trong tầng lớp lãnh đạo vốn là điểm nổi bật trong hệ thống chính trị của quốc gia này.

Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khẳng định rằng “quyền lãnh đạo không phải là sự kế thừa” mà phải được “lựa chọn từ mỗi thế hệ lãnh đạo” và “Singapore sẽ luôn cần một đội ngũ lãnh đạo mạnh được dẫn dắt bởi người đứng đầu có thể gắn kết những người khác lại với nhau, cũng như phát huy được ưu điểm của mỗi thành viên."

Thông báo về vai trò lãnh đạo mới của ông Wong được đưa ra khi Singapore đang hướng tới các sự kiện chính trị quan trọng vào cuối năm nay.

PAP sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu nội bộ để bầu ra các thành viên của ban lãnh đạo chủ chốt. Đây có thể là thời điểm để củng cố và nâng cao vị trí cho người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long trong đảng.

Cuộc tổng tuyển cử tại Singapore dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2025 hoặc có thể sớm hơn nếu PAP lựa chọn được thời điểm bầu cử tốt nhất.

Việc lựa chọn ông Wong trở thành người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của PAP cũng phát đi tín hiệu về các bước đi hướng tới quá trình chuyển đổi vị trí lãnh đạo trong chính phủ nước này.

Ông Wong có thể được đề bạt lên vị trí phó thủ tướng, chức vụ mà cả ông Lý Hiển Long và người tiền nhiệm Goh Chok Tong đều đảm nhận trước khi trở thành thủ tướng.

Ông Lawrence Wong, 49 tuổi, là Bộ trưởng Tài chính Singapore từ tháng 5/2021. Ông cũng là đồng chủ tịch Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của Singapore. Trước đó, ông từng kinh qua các chức vụ bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên cũng như bộ trưởng Giáo dục Singapore.

Ông đã tham gia chính trị hơn 10 năm nay, đều đặn thăng cấp nhưng không nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông.

So với Thủ tướng Lý Hiển Long, người đã giữ chức phó thủ tướng gần 14 năm trước khi đảm nhận chức vụ cao nhất vào năm 2004, ông Wong được bầu vào quốc hội cách đây chưa đầy 11 năm và mới được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính vào tháng 5/2021.

Ông cũng không có sức thu hút như Thủ tướng Lý Hiển Long và tên tuổi của ông chưa được biết đến trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi ông trở thành đồng Chủ tịch MTF. Ông đã cùng với các đồng nghiệp chèo lái đất nước Singapore vượt qua được đại dịch một cách bình tĩnh và thuyết phục và hiện đang hướng tới mục tiêu đưa “đảo quốc sư tử” phục hồi mạnh mẽ hơn sau dịch bệnh.

Ông đã được các nhà phân tích đánh giá là người kế nhiệm tiềm năng của Thủ tướng Lý Hiển Long, nhà lãnh đạo vừa bước sang tuổi 70 hồi tháng Hai vừa qua.

Giới chuyên gia nhận định Bộ trưởng Wong dường như đang xác định một cách tiếp cận tập thể để lãnh đạo đất nước bằng cách hợp tác với các chính trị gia khác cùng thế hệ nhằm "bù đắp" cho bản lý lịch cá nhân khá hạn hẹp của ông.

Một dấu hiệu của việc này là từ “nhóm” đã xuất hiện 3 lần trong thông điệp ngắn mà ông Wong đăng trên mạng xã hội ngay sau thông báo hôm 15/4 về việc ông được xác nhận là lãnh đạo thế hệ thứ tư của PAP.

Ông viết: “Cùng với những người còn lại thuộc nhóm thế hệ thứ tư, tôi sẽ tiếp tục hết lòng phục vụ người dân Singapore.” Việc nhấn mạnh sẽ lãnh đạo trên tinh thần tập thể được cho có liên quan đến sự thiếu kinh nghiệm của vị chính khách 49 tuổi này.

Bộ trưởng Lawrence Wong cho biết nhóm 4G của ông sẽ bắt tay ngay vào công việc, bao gồm các nhiệm vụ trước mắt là vượt qua đại dịch COVID-19 và đối phó với những thách thức kinh tế phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine, chẳng hạn như mối đe dọa lạm phát dai dẳng hơn và tăng trưởng yếu hơn.

Ngoài những thách thức trước mắt này, ông cùng với các đồng nghiệp sẽ phải tìm kiếm các cách thức để định vị Singapore tốt hơn cho một tương lai tiềm ẩn biến động và không chắc chắn sau đại dịch.

Tuy nhiên, thời gian bàn giao quyền lực vẫn chưa được xác định và khả năng kế nhiệm của ông Wong cũng không được đảm bảo tuyệt đối. Liệu 3 năm rưỡi nữa có đủ để ông có thể đáp ứng được những kỳ vọng cao và yêu cầu thay đổi của cử tri Singapore hay không?

Thủ tướng Lý Hiển Long trước đó từng nói rằng năng lực của người kế nhiệm ông trong việc lãnh đạo đảng cầm quyền và giành được sự tin tưởng của công chúng sẽ cần có thời gian kiểm nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục