Kỷ nguyên chính trị mới ở Singapore: Ai sẽ là thủ tướng tiếp theo?

Nhiều nhà phân tích nhận xét việc khó dự đoán ai có thể là thủ tướng thứ tư của Singapore không giống với những gì diễn ra trên chính trường đất nước trước đây.
Kỷ nguyên chính trị mới ở Singapore: Ai sẽ là thủ tướng tiếp theo? ảnh 1Ông Lawrence Wong. (Nguồn: AP)

Bài viết đăng trên báo The Sunday Times (Singapore) nhận định việc bổ nhiệm ông Lawrence Wong làm Bộ trưởng Tài chính mới có khả năng sẽ đưa ông lên vị trí dẫn đầu kế nhiệm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Tuy nhiên, không nên cho rằng vấn đề kế nhiệm ở Đảo quốc Sư tử sẽ sớm được giải quyết.

Nếu mục đích của đợt luân chuyển này là để ông Wong tiếp xúc với một lĩnh vực mới, thì ông sẽ cần lập kế hoạch báo cáo ngân sách tiếp theo, và có lẽ là báo cáo để các đồng nghiệp có thể đánh giá đầy đủ hơn về ông. Điều này sẽ mất ít nhất một đến hai năm.

Ngoài ông Wong, chính trường Singapore vẫn nổi lên hai gương mặt là tân Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung và ông Chan Chun Sing - người sẽ chuyển sang ngành giáo dục.

[Điều gì đang chờ đợi thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore?]

Ba gương mặt này vẫn là những người có khả năng nhất để tiếp quản quyền lực từ Thủ tướng Lý Hiển Long. Trong đó, lợi thế dường như đang nghiêng về ông Wong, ít nhất là vào lúc này, mặc dù chính trị vốn dĩ khó đoán định như các sự kiện gần đây đã cho thấy.

Như nhiều nhà phân tích đã nhận xét việc khó dự đoán ai có thể là thủ tướng thứ tư của Singapore không giống với những gì diễn ra trên chính trường đất nước trước đây.

Có một sự khác biệt so với quy ước: tất cả cuộc bàn luận tập trung xung quanh lý do tại sao đây không phải là vấn đề về một người trở thành nhà lãnh đạo, mà là về nhóm lãnh đạo và rằng thủ tướng, dù là ai đi chăng nữa, thì phải là người đứng đầu trong số những người ngang hàng.

Điều này khác xa so với quá khứ. Khi được hỏi rằng ông thấy vai trò của mình như thế nào với tư cách là thủ tướng, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói rằng ông giống như một nhạc trưởng trong một dàn nhạc. Đó là một hình ảnh hoàn toàn khác, một người chỉ huy ra hiệu cho các nhạc sỹ biết khi nào bắt đầu chơi, mức độ to hay nhỏ, bằng một cái vung tay lên hay xuống.

Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ. Vấn đề hiện nay là cho đến nay, chưa có ai vượt trội so những người còn lại và được thừa nhận là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi. Khi không có ai nổi bật nhất và tất cả đều được coi là phù hợp, sẽ rất khó đưa ra lựa chọn.

Trong một đến hai năm nữa, sự lựa chọn này sẽ không dễ dàng hơn, vì những người ở cấp lãnh đạo này không thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, cuối cùng, họ sẽ phải quyết định chọn một người, và nhóm sẽ phải tập hợp xung quanh người đó với tư cách là thủ tướng thứ tư của Singapore.

Điều gì sẽ xảy ra đối với Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền và Singapore?

Đường hướng của PAP dựa trên đổi mới nhóm, một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn tiếp quản từ các đồng nghiệp cấp cao của họ. Kịch bản này đề cử những người ở độ tuổi 30 và 40. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, thì nhóm người này sẽ chọn một người lãnh đạo vào thời điểm người đó ở độ tuổi 50.

Nhóm Goh Chok Tong tham gia chính trị ở độ tuổi 30 và khi họ ở độ tuổi 40, họ đã chọn ông Goh Chok Tong là thủ tướng thứ hai của Singapore.

Thủ tướng Lý Hiển Long tham gia chính trường khi ở tuổi 32 tuổi và được thừa nhận là người kế nhiệm rõ ràng của ông Goh khi ông Lý chưa đầy 40 tuổi.

Tuy nhiên, PAP nhận thấy ngày càng khó “tuyển dụng” những người ở độ tuổi 30 và thuyết phục họ tham gia chính trường, đặc biệt là những người có tiềm năng lãnh đạo. Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề kế nhiệm và đó là điều đã xảy ra dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long.

Khi trở thành Thủ tướng vào năm 2004, ông Lý thực sự chỉ có cuộc bầu cử năm 2006 và 2011 nhằm thu hút nhóm lãnh đạo tiếp theo để từ đó có thể tìm ra người kế nhiệm.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006, những cái tên được cho là tiềm năng vào thời điểm đó là bà Grace Fu, ông Lui Tuck Yew, bà Josephine Teo, ông Masagos Zulkifli và ông Lee Yi Shyan. Ông Lui và ông Lee lần lượt từ bỏ chính trường vào năm 2011 và năm 2020.

Cuộc tổng tuyển cử năm 2011 đã tạo ra một nhóm lớn hơn, gồm ông Heng Swee Keat, ông Chan Chun Sing, ông Lawrence Wong, ông Tan Chuan-Jin, ông Desmond Lee và ông Ong Ye. Nhìn lại, dường như nhóm lãnh đạo này biết rằng họ đang có vấn đề và đã nỗ lực rất nhiều để bù đắp sự thiếu hụt.

Những con số tồi tệ của cuộc tổng tuyển cử năm 2006 đã buộc đảng PAP phải hành động trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011.

Nếu PAP tiếp tục tuân theo chính sách kế nhiệm trước đây, mỗi thủ tướng kế nhiệm sẽ chỉ có một đến hai cuộc tổng tuyển cử để lên kế hoạch chuẩn bị. Nếu bỏ lỡ một, như đã xảy ra vào năm 2006, thì thật là tai hại.

Mặt khác, nếu nhóm lãnh đạo của năm 2011 được thuyết phục tham gia chính trường vào năm 2006, thì họ sẽ có thêm 4-5 năm để quyết định vấn đề, và tình trạng bế tắc hiện tại có thể đã tránh được.

Nếu không muốn vấn đề sẽ tái diễn trong tương lai, thì bất kỳ ai trở thành thủ tướng tiếp theo của “Đảo quốc Sư tử” phải thiết lập được nhóm người kế nhiệm tiếp theo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2025 và chậm nhất là vào năm 2030.

Vấn đề cơ bản hiện nay không nằm ở việc chưa xác định được ai có thể là thủ tướng Singapore tiếp theo với sự chắc chắn như trong quá khứ, mà vấn đề thực sự khó khăn là thu hút những người đủ năng lực và bản lĩnh vào đảng, đặc biệt là những người ở độ tuổi 30 và 40.

Đây không phải là một vấn đề mới nhưng hiện nó lại đang diễn ra ở cấp lãnh đạo cao nhất. Điều này có lẽ xảy ra sớm hơn so với dự đoán của bất kỳ ai.

Khi quy trình “tuyển dụng” chậm lại, cuối cùng nó sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn cho vị trí đứng đầu. Đó là những gì đang xảy ra hiện nay ở Singapore. Nhưng đó là vấn đề do chính PAP tự gây ra, bởi vì đảng cầm quyền đã tuân thủ đường lối lâu đời của họ.

Ví dụ, ý kiến cho rằng thủ tướng nên từ chức vào năm 70 tuổi đã lỗi thời trong thế giới ngày nay, khi mọi người đang làm việc và sống lâu hơn. Điều quan trọng hơn không phải là tuổi tác mà là thời gian một vị thủ tướng tại nhiệm, vì điều này ảnh hưởng đến kế hoạch kế nhiệm của nhóm.

Một vấn đề khác cần suy nghĩ lại: Các bộ trưởng tiềm năng nên được lựa chọn từ những người được giới thiệu ở độ tuổi 30 và 40. Một khi chấp nhận rằng một thủ tướng có thể tiếp tục tại nhiệm khi bước qua tuổi 70, ngay lập tức những người ở độ tuổi 50 sẽ có cơ hội. Nếu họ thành công, họ sẽ còn 20 năm nữa trong “cuộc đời chính trị” để nhắm tới chức vụ cao nhất của đất nước. Điều này cũng mở ra khả năng bổ nhiệm các bộ trưởng ở độ tuổi cuối 50 và đầu 60 làm thủ tướng.

Phải chăng đã đến lúc PAP đón nhận một kỷ nguyên chính trị mới?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục