Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 100 năm ngày sinh Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã được tổ chức long trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 10/7, tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 100 năm ngày sinh Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Dự lễ kỷ niệm có các vị Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội; Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư; Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, quê hương Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; các đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng tới dự.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu, tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An).

Với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng, 47 tuổi Đảng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước thiết tha, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập , tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Từ một trí thức có địa vị xã hội dưới chế độ thực dân, luật sư đã từ bỏ mọi lợi quyền và bổng lộc, chấp nhận gian khổ, hy sinh để dấn thân vào con đường đấu tranh cách mạng rồi trở thành một người cộng sản, một nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào quần chúng.

Ở mọi cương vị công tác, luật sư đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, được bạn bè quốc tế nể trọng.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một học trò giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con chí tình, chí nghĩa của Long An, một nhà lãnh đạo có uy tín, một chính khách giản dị, chính trực, khiêm tốn, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, quan tâm gần gũi mọi người; sống trong sạch, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không bị cám dỗ trước tiền tài, danh lợi; phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; được Hội đồng Hòa bình Thế giới tặng thưởng Huân chương Joliot Curie.

Nhà nước Liên Xô (trước đây) tặng Giải thưởng Quốc tế Lenin và Huân chương Hữu nghị Vì sự nghiệp củng cố hoà bình giữa các dân tộc. Nhà nước Cuba tặng thưởng Huân chương Đoàn kết-chiến đấu. Nhà nước Bulgaria tặng Giải thưởng Đimitrốp...

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, biết ơn, và quan trọng hơn là, học tập và noi theo tấm gương của một trí thức lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên định, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

May mắn được biết Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tương đối sớm và có nhiều năm hoạt động, công tác với ông trong nhiều giai đoạn khá đặc biệt của cách mạng, trong phát biểu tại lễ kỷ niệm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã xúc động điểm lại những hoạt động, đóng góp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong nhiều giai đoạn khác nhau, đặc biệt là các cuộc đấu tranh chính trị công khai vì dân sinh, dân chủ những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh cho hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Geneva thống nhất đất nước năm 1954-1955, trên các diễn đàn hội nghị quốc tế cũng như trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước sau này.

Thay mặt các luật sư và thế hệ trẻ, luật sư trẻ Trịnh Đức Duy khẳng định được học tập tấm gương cách mạng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, được tham gia và trưởng thành qua các phong trào Đoàn, lớp trẻ ngày nay, nhất là các luật sư trẻ, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, luôn cố gắng giữ lập trường, bản lĩnh, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, thực hiện công cuộc cải cách tư pháp.

Trước đó, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thắp hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.

Sau lễ kỷ niệm, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đến tham quan triển lãm ảnh về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố./.

Nguyễn Thị Sự-Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục