Sáng 26/4 (ngày 8/3 âm lịch), tại xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.010 năm Ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng đế và khai hội Lễ hội Lê Hoàn 2015.
Kỷ niệm 1.010 năm Ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng đế là dịp để nhân dân huyện Thọ Xuân nói riêng, nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung tri ân công lao và những đóng góp to lớn của ông cho lịch sử, cho đất nước và dân tộc; giới thiệu đến nhân dân, du khách thập phương trong, ngoài tỉnh biết được giá trị lịch sử-văn hóa các quần thể thuộc Di tích lịch sử Lê Hoàn.
Phần lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Hoàn và các tướng lĩnh. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc mang tên "Lê Đại Hành Hoàng đế chiến công ghi mãi ngàn năm" do diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật của tỉnh và các đội văn nghệ quần chúng huyện Thọ Xuân trình diễn.
Chương trình gồm ba chương mô phỏng nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của vua Lê Đại Hành trong việc dẹp nội loạn, chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi; xây dựng nền quốc phòng-an ninh vững mạnh; phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội...
Lê Đại Hành Hoàng đế (tên húy là Lê Hoàn), sinh năm 941, tại làng Trung Lập thuộc Ái Châu (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Năm 16 tuổi, ông tham gia vào đội quân cứu nước của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh và trở thành một tướng tài, dẹp loạn 12 sứ quân.
Khi lên ngôi, vua Đinh Tiên Hoàng đã phong ông chức Thập đạo tướng quân, chỉ huy toàn bộ quân đội, là một vị tướng có lòng nhân ái khác thường, yêu thương binh sĩ nên được binh sĩ kính yêu sâu sắc.
Năm 979, sau biến cố cung đình (Đỗ Thích đầu độc Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn), Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi, Lê Hoàn được triều đình cử làm nhiếp chính và ông đã dốc hết sức để giữ vững triều chính.
Khi giặc Tống sang xâm lược, Lê Hoàn được quân sỹ ủng hộ, được Thái hậu Dương Vân Nga trao long bào, chính thức lên ngôi năm 980, đánh dấu cho sự ra đời của Vương triều Tiền Lê trong lịch sử dân tộc.
Lê Đại Hành Hoàng đế là người đã có công lớn trong lịch sử dựng nước, giữ nước. Ông đã đặt nền móng vững chắc, tạo tiền đề quan trọng về mọi mặt để các triều đại sau này tiếp nhận và tạo dựng nền văn hóa Thăng Long rực rỡ, trường tồn cho đến ngày nay.
Hoàng đế Lê Đại Hành có công đầu khuyến khích nghề nông, đã hai lần tự thân cày ruộng tịch điền, làm gương cho nhân dân chăm lo phát triển nông nghiệp. Ngay sau khi đại thắng giặc, ông quyết định hòa giải với triều đình nhà Tống, giữ được đất nước yên vui, thái bình và có đủ thời gian khôi phục lại ruộng đồng sau bao ngày bị hoang hóa, xây dựng kinh đô Hoa Lư ngày càng phồn thịnh.
Trong suốt 24 năm trị vì của ông, đất nước luôn bình yên, cuộc sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc bởi nhiều cải cách được coi là những tiến bộ vượt bậc so với các triều đại phong kiến trước đây.
Ghi ơn những công lao to lớn của ông, nhân dân đã lập Đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, quê hương ông. Đền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ nhất xứ Thanh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, qua sự khắc nghiệt của thời gian, đến nay, Đền đã được tu bổ, tôn tạo khá khang trang, nhưng vẫn bảo tồn nguyên dáng vẻ cổ kính.
Lễ hội đã thu hút hàng vạn du khách thập phương cùng nhân dân địa phương tham dự. Lễ hội Lê Hoàn sẽ diễn ra trong ba ngày, từ 25-27/4 với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như hội thi dựng trại binh thời Lê, các trò chơi, trò diễn dân gian, thi đấu vật, kéo co, cờ tướng, thi làm bánh lá răng bừa./.