Khai thác tối đa tiềm năng để phát triển du lịch Thanh Hóa

Nhiệm vụ lâu dài để phát triển du lịch Thanh Hóa là phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh.
Khai thác tối đa tiềm năng để phát triển du lịch Thanh Hóa ảnh 1Bãi biển Sầm Sơn, một trong nhũng điểm thu hút đông khách du lịch. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắm cảnh như di sản thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử đặc biệt Lam Kinh, và trong dịp tổ chức Năm du lịch quốc gia năm 2015 với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, đền thờ bà Triệu cũng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt về lịch sử và kiến trúc.

Đây là tiền đề thuận lợi để Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển ngành "công nghiệp không khói" trong tương lai gần.

Những khởi sắc của ngành du lịch

Những năm trước đây, ngành du lịch Thanh Hóa còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế từ chất lượng dịch vụ, trình độ nguồn nhân lực, công tác đầu tư… Nạn "chặt chém", ép giá, ép khách, thiếu văn minh, thiếu thân thiện trong một bộ phận không nhỏ người dân làm du lịch.

Tuy nhiên gần đây ngành du lịch Thanh Hóa đã có những đổi thay đáng kích lệ. Tại bãi biển Sầm Sơn, những năm trước đây nạn "chặt chém" giá cả dường như trở thành chuyện thường tình, nhưng những năm qua, Đảng ủy, chính quyền thị xã Sầm Sơn đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm cao, huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào việc nâng cao chất lượng du lịch bằng những giải pháp hiệu quả.

Trong đó có việc tuyên truyền, xử phạt nặng các hành vi "chặt chém", ép giá, ép khách, chèo kéo khách, ngăn cấm ăn xin, ăn mày, bán hàng rong trên bãi biển… với mức xử phạt lên đến hàng chục triệu đồng/vụ.

Cùng với đó, chính quyền thị xã đã mở các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ phục vụ du khách trong nhân dân theo hướng văn minh, thân thiện. Công tác thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng được thực hiện có hiệu quả; công tác đảm bảo an ninh được chú trọng… đã đem lại sự hài lòng, thân thiện và an toàn cho du khách muôn phương khi về tắm mát và nghỉ dưỡng ở nơi đây.

Với những kết quả đó, Sầm Sơn đã đươc Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá là "điểm sáng" trong công tác đổi mới phát triển du lịch.

Không chỉ ở Sầm Sơn, những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cũng đã chú trọng xây dựng các điểm đến để phục vụ du khách. Trong đó phải kể đến những điểm đến mới nổi như khu du lịch thác Ma Hao, làng nguyên sơ Năng Cát, Khu du lịch Xuân Liên, du lịch Pù Luông…

Trong mảng di tích, Thanh Hóa đã đầu tư tu bổ, tôn tạo hơn 200 di tích, với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng; trong đó có những di tích trọng điểm như Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Khu du lịch Hàm Rồng ở thành phố Thanh Hóa, Khu du lịch suối cá Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy, Khu du lịch văn hóa-sinh thái Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn…

Công tác đầu tư tôn tạo di tích đang từng bước giúp Thanh Hóa phát huy các giá trị văn hóa, khai thác phục vụ du lịch. Qua đó góp phần tạo nên một bức tranh đa dạng, sinh động và hấp dẫn cho du lịch Thanh Hóa.

Với những nỗ lực trên, trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa đã có những bước phát triển nhảy vọt. Số lượng các cơ sở lưu trú hiện tại có 672 cơ sở với 14.000 phòng. Thanh Hóa cũng có 75 khách sạn từ 1-4 sao với 4.014 buồng.

Tổng số lao động trong ngành du lịch lên tới 16.000 người, trong số này, lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tới 43%. Theo đó mức tăng trưởng bình quân của ngành du lịch Thanh Hóa đạt 22,6%/năm.

Ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết mục tiêu của ngành du lịch Thanh Hóa trong năm 2015 là thu hút từ 5-5,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước và tổng thu từ du lịch ước đạt 158,6 triệu USD.

Cần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh

Thành công của du lịch Thanh Hóa trong những năm qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên trên thực tế, sự phát triển du lịch Thanh Hóa hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Điều này thể hiện ở chỗ, so với thị trường khách quốc tế của cả nước, thì đóng góp của du lịch Thanh Hóa còn hết sức khiêm tốn; phát triển du lịch Thanh Hóa vẫn chưa chú trọng về chất, hiệu quả kinh doanh du lịch còn thấp.

Ngoài sản phẩm du lịch truyền thống được tập trung khai thác là du lịch nghỉ dưỡng biển, các sản phẩm du lịch khác vẫn còn chậm phát triển. Du lịch biển phát triển đến mức từ bãi biển Sầm Sơn đã bắt đầu mở rộng ra các bãi biển khác trong tỉnh như Hải Hòa, Quảng Vinh, Hải Tiến…

Cũng từ đó mà nó tạo ra tính mùa vụ cao. Trong khi việc thu hút du khách, nhất là khách quốc tế về các điểm đến Pù Luông, Bến En, Xuân Liên, Thành nhà Hồ…vẫn chưa được phát huy.

Từ đó cho thấy, nhiệm vụ đặt ra cả trước mắt và lâu dài đối với du lịch Thanh Hóa là phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm hướng tới mục tiêu đa dạng hóa thị trường khách du lịch để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là khắc phục tính mùa vụ của hoạt động du lịch.

Cùng với đó ngành du lịch cần nhanh chóng cải thiện chất lượng hoạt động du lịch nghỉ dưỡng biển truyền thống nhằm cải thiện "hình ảnh" du lịch Thanh Hóa; chú trọng đầu tư khai thác các trọng điểm du lịch gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn và di sản thế giới Thành nhà Hồ. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Huế, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh… để nối tuyến, thu hút khách du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục