Kỹ thuật nuôi cấy tế báo gốc đa năng tự động

Nhật Bản đã trở thành nước đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi cấy tế báo gốc đa năng (iPS) cho con người một cách tự động.
Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki và hai phòng thí nghiệm của Nhật Bản vừa nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi cấy tế báo gốc đa năng (iPS) cho con người một cách tự động.

Đây là nước đầu tiên trên thế giới phát triển thành công kỹ thuật này.

Phát biểu với các phóng viên, ông Makoto Asashima, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia (AIST) - một trong hai phòng thí nghiệm tham gia vào dự án này, cho biết việc nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi cấy tế bào iPS một cách tự động sẽ đóng góp rất lớn cho tiến trình nghiên cứu tế bào iPS, bởi vì tế bào iPS có thể phát triển thành bất cứ mô nào của con người.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng một thiết bị có hình hộp do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki chế tạo, với kích thước 2,1x2,2x1,4 và có một cánh tay robot ở bên trong, để nuôi cấy tế bào iPS.

Thiết bị này tự động thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như phân tách các tế bào iPS chưa phân hóa bằng công nghệ xử lý hình ảnh, thay các dung dịch nuôi cấy và đặt các tế bào đã được nhân vào các đĩa. Thiết bị này có khả năng nuôi cấy khoảng 20 loại tế bào iPS cùng một lúc.

Thành công mới của tập đoàn Kawasaki, AIST và Trung tâm Phát triển và Chăm sóc Sức khỏe Trẻ em Quốc gia của Nhật Bản đã góp phần mở ra triển vọng mới trong việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh, sản xuất các loại thuốc mới cũng như các loại thuốc tái sinh nhằm giúp phục hồi các tế bào đã bị phá hủy./.

Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục