Kỳ vọng một làn gió mới trên thị trường xếp hạng tín nhiệm

Việc ra đời các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ giúp thị trường trái phiếu sẽ trở nên tốt hơn, doanh nghiệp phát hành có thể tiếp cận được đối tượng nhà đầu tư nhiều hơn nữa.
Fiin Ratings - một trong hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam. (Nguồn: fiingroup.vn)
Fiin Ratings - một trong hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam. (Nguồn: fiingroup.vn)

Theo nội dung dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi 2019 đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành có quy định, kể từ 1/1/2023, sẽ có một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm.

Với quy định này, việc đẩy mạnh phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm được kỳ vọng giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở nên minh bạch, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Đó là thông tin tại Hội thảo về phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm, do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/11.

Nhu cầu xếp hạng chưa nhiều

Trên thực tế, khung pháp lý về xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam đã được ban hành từ năm 2014 tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và được sửa đổi vào năm 2018.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 2 doanh nghiệp. Lộ trình đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tối đa khoảng 5 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài Chính cho biết, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường.

Nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Ngô Thế Triệu, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Quỹ Eatspring Investment Việt Nam cho biết, cũng chính việc thiếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm mà quỹ này chỉ mới đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong 4 năm gần đây, dù đã có mặt ở thị trường Việt Nam 20 năm nay.

Trong 5 tỷ USD quy mô quỹ hiện nay, chỉ mới có khoảng 400 triệu USD đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

“Trong thời gian qua, có trường hợp nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, nhưng khi muốn tìm hiểu, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin thì bị từ chối. Do vậy, việc xếp hạng tín nhiệm được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn này cho nhà đầu tư, giúp thị trường trở nên minh bạch hơn trong thời gian tới,” ông Triệu nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Fiin Ratings cho biết, hiện nhu cầu xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp chưa nhiều. Bởi lẽ, phần lớn các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ là chính, tức là hai bên tự đàm phán với nhau, tự khớp với nhau.

Nhu cầu xếp hạng tín nhiệm chỉ phát triển khi có nhiều giao dịch phát hành trái phiếu ra công chúng.

Thống kê của Fiin Ratings -  một trong hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam cho thấy, tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành đang có xu hướng xấu đi trong 9 tháng năm 2020 trong khi đòn bẩy tài chính tăng lên.

Thị trường vẫn thiếu các tiêu chuẩn, sự tham chiếu cần thiết để thị trường tự đánh giá và hỗ trợ quyết định đầu tư. Thêm vào đó, có sự mất cân xứng giữa năng lực tín dụng của nhà phát hành và lãi suất trái phiếu trên thị trường.

Mặt khác, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam trong năm 2019 ở mức cao (12,8 tỷ USD); đồng thời số lượng doanh nghiệp trên cả 3 sàn HSX, HNX và Upcom có hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở ngưỡng trên 1 lần là tương đối lớn, khoảng 360 doanh nghiệp.

Với thực tế tình hình doanh nghiệp hiện nay cùng các quy định mới sắp có hiệu lực, nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp dự báo theo đó cũng sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Việc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp các doanh nghiệp minh bạch hóa, dễ dàng tiếp cận với các nhà đầu tư và giúp giảm chi phí vốn trong dài hạn.

Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm góp phần gia tăng hiệu quả hoạt động cả về cung và cầu đầu tư trên thị trường, giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư.

['Thiếu văn hóa xếp hạng tín nhiệm là rủi ro của thị trường trái phiếu']

Ông Dương cũng cho biết, việc phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng là cơ sở để các bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi các quy định về an toàn vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm theo hướng phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng và trái phiếu doanh nghiệp không được xếp hạng; qua đó, khuyến khích các tổ chức tài chính nêu trên ưu tiên đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tốt.

Là một tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho biết, việc ra đời các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước là rất cần thiết.

Kỳ vọng một làn gió mới trên thị trường xếp hạng tín nhiệm ảnh 1

Bởi lẽ, để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nước ngoài xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam cần rất nhiều thời gian, trong khi việc triển khai sớm sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh và minh bạch hơn.

Đứng từ góc độ thị trường, đại diện TCBS cho rằng, khi có các công ty xếp hạng tín nhiệm, thị trường trái phiếu sẽ trở nên tốt hơn, doanh nghiệp phát hành có thể tiếp cận được đối tượng nhà đầu tư nhiều hơn nữa.

“Chúng tôi hy vọng các công ty xếp hạng tín nhiệm đã và sắp được cấp phép sẽ xây dựng được một chuẩn mực tốt để các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ cảm thấy mang lại lợi ích thật sự, giá trị tăng thêm cho họ và các nhà đầu tư trong các đợt phát hành; từ đó, giúp tổ chức phát hành tiếp cận được đối tượng nhà đầu tư nhiều hơn, giá phát hành sẽ càng ngày càng rẻ và có lợi cho doanh nghiệp phát hành,” bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết.

Trao đổi trực tuyến tại hội thảo, ông Mathew Batrouney, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho biết, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian gần đây, việc xếp hạng tín nhiệm trước khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng là một phần không thể thiếu trong quá trình minh bạch thị trường vốn.

“Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đây là thời điểm tốt để bảo đảm hệ thống xếp hạng tín nhiệm hoạt động tốt, hỗ trợ toàn bộ cho sự phát triển bền vững của thị trường vốn. Chúng tôi sẽ có thảo luận nội bộ để xem có thể hỗ trợ được gì cho các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam trong thời gian tới,” ông Mathew Batrouney cho biết.

Phía Moody cũng đang xem xét rót vốn liên doanh vào một đơn vị xếp hạng của Việt Nam.

Việc tham gia của các tổ chức xếp hạng nước ngoài được kỳ vọng giúp nâng cao năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam theo chuẩn quốc tế; từ đó, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn của Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục