Kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang dần 'tan biến'

Virus SAR-CoV-2 trên đà bùng phát trở lại và tấn công vào nền kinh tế vốn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, làm tiêu tan hy vọng về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang dần 'tan biến' ảnh 1Một quầy hàng trong siêu thị ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Biến thể Delta của virus SAR-CoV-2 đang làm tiêu tan hy vọng về đà phục hồi kinh tế suôn sẻ của các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Quốc gia đầu tiên rơi vào khủng hoảng kinh tế và cũng là quốc gia đầu tiên thoát khỏi kịch bản này vào năm ngoái hiện đang phải đối mặt với một mối đe dọa mới, khi virus trên đà bùng phát trở lại và tấn công vào nền kinh tế vốn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo chuyên gia Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald, một làn sóng lây nhiễm virus mới đang lan rộng trên khắp Trung Quốc kể từ đợt bùng phát vào tháng trước ở Nam Kinh.

Hiện tỷ lệ nhiễm COVID-19 của Trung Quốc ở mức cao nhất trong vòng bảy tháng, khiến giới chức trách phải ban hành các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, cũng như yêu cầu tạm dừng hoạt động giải trí và tụ tập đông người, để đối phó với dịch bệnh.

[Nhà đầu tư có nên thận trọng với sự khó đoán định của Trung Quốc?]

Một số hội nghị và các sự kiện lớn, dự kiến diễn ra ở Trung Quốc, đã bị hủy bỏ, trong đó có Hội nghị An ninh mạng Bắc Kinh năm 2021 (dự kiến có hàng chục nghìn người tham dự) và Hội nghị 5G Thế giới thường niên.

Chuyên gia Stephen Bartholomeusz cho rằng những tiến triển mới này chắc chắn sẽ tác động đến xu hướng tăng trưởng kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc.

Bất chấp đại dịch COVID-19, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng "thần tốc"

Quý 1/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 18,3%, một tỷ lệ cao đáng kinh ngạc so với mức tồi tệ nhất khi đại dịch diễn ra vào năm ngoái, trước khi từ từ giảm tốc về mức 7,9% trong quý 2/2021.

Nền kinh tế lớn nhất châu Á được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ quanh ngưỡng 7% trong quý 3/2021 và gần tiệm cận mức 9% trong cả năm nay.

Tuy nhiên, hiện các dự báo đã bị cắt giảm khá mạnh với triển vọng tăng trưởng quý 3/2021 được cho là chỉ ở mức dưới 3% và tăng trưởng cả năm ước đạt gần 8%.

Liệu biến thể Delta có phải là nguyên nhân duy nhất khiến các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc?

Theo chuyên gia Stephen Bartholomeusz, cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh trong các biện pháp đối phó với đại dịch và tác động đối với hoạt động kinh tế cũng là yếu tố tác động đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhưng rõ ràng, đợt bùng phát bệnh mới do biến thể Delta sẽ là động lực chính tạo ra một số tác động làm giảm tốc độ tăng trưởng, không chỉ trong phạm vi nền kinh tế Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế của các đối tác thương mại lớn của nước này và toàn cầu.

Những diễn biến này sẽ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn chủ yếu dựa vào sự kết nối giữa nền kinh tế Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, vốn đã bị gián đoạn từ trước đó.

Những thách thức tiềm ẩn

Trước khi đại dịch xảy ra, Trung Quốc tập trung vào việc giảm đòn bẩy và rủi ro trong nền kinh tế, cố gắng xóa bỏ “di sản” của các chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và nỗ lực chuyển cán cân thương mại từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang sự đóng góp nhiều hơn của tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã buộc Bắc Kinh phải đảo ngược hành động, sử dụng biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ để giảm bớt những tác động tồi tệ nhất của đại dịch.

Một điều bất ngờ là nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ trở lại vào nửa cuối năm ngoái, do nhu cầu bất thường trên toàn cầu đối với mặt hàng thiết bị và vật tư y tế và sau đó là nhu cầu hàng tiêu dùng tăng cao, tập trung vào các rủi ro trong nước.

Dù vậy, tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã tăng vọt từ ngưỡng 255% vào năm 2019 lên mức 280%, thậm chí có thể nhiều hơn nữa, do các chính quyền địa phương vốn được cho là thiếu minh bạch và đã tạo ra thêm nhiều khoản nợ ngân sách “ẩn.”

Trong khi đó, những làn sóng ban đầu của đại dịch, cùng với hậu quả tiếp diễn từ cuộc chiến thương mại và các lệnh trừng phạt giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra sự gián đoạn lớn và liên tục đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, sự thiếu hụt chất bán dẫn đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy sản xuất phức hợp, tập trung chính trong lĩnh vực sản xuất ôtô.

Ngoài ra, sự bùng nổ nhu cầu hàng hóa tiêu dùng và các biện pháp kích thích của Trung Quốc đã kích hoạt nhu cầu đối với nguyên liệu thô. Giá hàng hóa nguyên liệu, như than đá, dầu khí và quặng sắt, tăng vọt.

Do Bắc Kinh đã ban hành các lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia và theo đuổi nỗ lực giảm cường độ carbon trong nước, các nhà sản xuất Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao.

Vào tháng trước, lạm phát dựa trên định giá tại cổng nhà máy (Factory-gate Pricing) ở Trung Quốc đã tăng, ghi nhận con số 9%, và có khả năng dẫn đến nguy cơ lạm phát lõi tăng cao hơn trên diện rộng, bất chấp nỗ lực của chính quyền nhằm giảm giá hàng tiêu dùng và đe dọa sẽ hành động chống lại tích trữ, đầu cơ và giải phóng hàng hóa từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia.

Bối cảnh này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và sự ổn định của khu vực công nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là khi cuộc tấn công bất thường của chính quyền vào các doanh nghiệp “đầu tàu” trong ngành công nghệ nội địa đã làm gián đoạn, gây bất ổn và hủy hoại sự giàu có trong phân khúc phát triển nhanh nhất của nền kinh tế.

Sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng cao, bất ổn của doanh nghiệp và thị trường không phải là điều tốt trong một nền kinh tế vốn đang phải gánh quá nhiều nợ, cũng như đối với một số tập đoàn quốc doanh và tư nhân khổng lồ, ví dụ như Huarong và Evergrande.

Các doanh nghiệp này đang “nghiêng ngả” dưới sức nặng quy mô của chính họ, “cõng” những khoản nợ khổng lồ và các tài sản có vấn đề.

Khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng vào tháng Bảy, trước khi biến thể Delta xuất hiện ở Trung Quốc, cơ quan này đã có những cân nhắc đối với đà tăng trưởng cao đột biến trong nền kinh tế. Có thể thấy, đưa tính thanh khoản vào hệ thống ngân hàng là phản ứng đầu tiên của Trung Quốc nhằm đối phó với các mối đe dọa kinh tế hoặc tài chính.

Theo chuyên gia Stephen Bartholomeusz, rõ ràng giờ đây hoặc những nỗ lực nhằm làm giảm đòn bẩy quá mức đã gây ra một số hậu quả bất lợi cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, hoặc nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại đáng kể so với mức mà các nhà chức trách mong muốn, hoặc thậm chí là cả hai. Sau đó, sự bùng phát của biến thể Delta lại là một động lực quan trọng khác đẩy nhanh các yếu tố nói trên.

Trung Quốc sẽ hành động gì tiếp theo?

Có khả năng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ loại bỏ dần đòn bẩy và chuyển lạm phát sang vấn đề cấp bách thứ hai khi đối phó với sự suy thoái của nền kinh tế tới đây, bởi lâu nay sự ổn định xã hội luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.

Bắc Kinh có thể lựa chọn cắt giảm nhiều hơn các yêu cầu dự trữ và lãi suất, cùng một số biện pháp kích thích tài chính có mục tiêu trong những tháng cuối cùng của năm 2021, khi nước này cố gắng đặt mức sàn cho nền kinh tế, giúp Trung Quốc đạt được con số 6% cộng thêm vào tốc độ tăng trưởng GDP mà họ nhắm đến cho môi trường sau đại dịch.

Trong khi một số thách thức của Trung Quốc là những vấn đề hoàn toàn của riêng Trung Quốc (vì mặc dù tăng trưởng, nước này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và bởi vì mức độ can thiệp và kiểm soát của Nhà nước), thì tác động từ các biến thể mới của virus SAR-CoV-2 vẫn sẽ là rắc rối chung mà mọi nền kinh tế đều phải ứng phó trong một tương lai gần.

Trong ngắn hạn, một tương lai hậu đại dịch sẽ không giống với tình trạng trước đại dịch, các nền kinh tế sẽ liên tục bị gián đoạn ở nhiều mức độ khác nhau, bởi quá trình phát triển của đại dịch.

Trung Quốc đã chuẩn bị để thực hiện những biện pháp mà hầu hết các quốc gia phương Tây sẽ không tính đến nhằm kiểm soát virus, với mong muốn đóng một vai trò lớn hơn và trung tâm hơn trong nền kinh tế, so với các chính phủ ở phương Tây.

Kết thúc bài viết, tác giả Stephen Bartholomeusz đặt câu hỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đối phó với sự bùng phát của biến thể Delta và mối đe dọa đối với người dân, tăng trưởng và ổn định xã hội như thế nào?

Theo tác giả, đây không chỉ là mối quan tâm lớn, mà còn là những ảnh hưởng thực sự có thể xảy ra đối với phần còn lại của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục