Lạc quan thận trọng về cuộc gặp Trump-Kim lần thứ 2

Các nhà phân tích cho rằng sự lạc quan thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đang gia tăng khi nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chính thức có được sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc.
Lạc quan thận trọng về cuộc gặp Trump-Kim lần thứ 2 ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, các nhà phân tích cho rằng sự lạc quan thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh được mong đợi giữa Washington và Bình Nhưỡng đang gia tăng khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức có được sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với kế hoạch gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Trong cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bắc Kinh hồi đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ủng hộ việc Bình Nhưỡng "tiếp tục thực hiện đường hướng phi hạt nhân hóa" và ủng hộ Triều-Mỹ "tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh và đạt được kết quả."

Trong khi khẳng định lại cam kết phi hạt nhân hóa của mình, Kim Jong-un cho biết ông sẽ nỗ lực để đạt được kết quả trong cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra với Trump, sự kiện sẽ được "cộng đồng quốc tế hoan nghênh."

Ông Kim Jong-un đã kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc, mà các nhà phân tích cho là nhằm đảm bảo mối quan hệ gần gũi giữa hai đồng minh này trước cuộc gặp thượng đỉnh với Trump dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump dường như đang chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai với nỗ lực phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, để từ đó Bình Nhưỡng sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh và các hỗ trợ khác của Mỹ. Ông Trump nói công khai rằng địa điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh có thể sẽ được công bố "trong tương lai không xa."

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ kỳ vọng rằng chuyến thăm thứ 4 của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm 2011 sẽ giúp tạo điều kiện cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của Kim Jong-un với Donald Trump và chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo Triều Tiên này.

Một quan chức của Bộ này phát biểu với các phóng viên: "Chúng tôi hy vọng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Kim Jong-un có thể góp phần phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn."

Các nhà phân tích cho rằng sự ủng hộ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với các bước đi phi hạt nhân hóa của Bình cũng như mong muốn của ông Kim Jong-un về việc đạt kết quả trong các cuộc đàm phán với Trump sẽ tạo ra động lực mới cho các nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Kim Heung-kyu, chuyên gia về Trung Quốc của trường Đại học Ajou, phát biểu với hãng tin Yonhap: "Cuộc gặp thượng đỉnh lần này với Tập Cận Bình là một nỗ lực của Kim Jong-un nhằm trấn an Trung Quốc rằng Triều Tiên sát cánh với đồng minh này trước một thỏa thuận lớn có thể có với Mỹ và là một nỗ lực để đảm bảo Trung Quốc sẽ là chỗ dựa (nếu đàm phán với Washington thất bại). Chuyến thăm của Kim Jong-un tới Bắc Kinh lần này có thể được xem như một hành động thể hiện ý chí của nhà lãnh đạo này hướng tới một bước tiến lớn trong việc phi hạt nhân hóa."

Theo các nhà phân tích, Kim Jong-un có nhiều lý do để thúc đẩy một thỏa thuận lớn với Washington trong năm nay. Lý do chính là ông đã cam kết phát triển nền kinh tế ốm yếu của Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng cần sự nới lỏng trừng phạt của Washington.

[Những mong muốn của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên]

Bài phát biểu chào Năm Mới của ông Kim Jong-un tập trung vào phát triển kinh tế, cùng với mong muốn thúc đẩy quan hệ liên Triều và những nhượng bộ của Mỹ để giải quyết các vấn đề kinh tế của Triều Tiên.

Những lời lẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ quyết định phi hạt nhân hóa của Triều Tiên dường như làm nổi bật sự tương đồng về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc thúc đẩy sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là khi Trung Quốc đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình có thể đã cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có các bước đi hữu hình hơn nữa trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vì khi không có các bước đi như vậy, có thể nảy sinh những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh đã không cam kết đóng vai trò "xây dựng" trong nỗ lực hòa bình cho Bán đảo Triều Tiên.

Park Won-gon, Giáo sư quan hệ quốc tế của trường Đại học Toàn cầu Handong, nhận định: "Có thể có một gánh nặng đáng kể đối với Trung Quốc nếu Bình Nhưỡng không thực hiện bất kỳ bước tiến lớn nào hướng tới phi hạt nhân hóa."

Nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Triều Tiên như báo chí đưa tin thì chương trình nghị sự trong hội nghị thượng đỉnh có thể bao gồm việc thay thế hiệp định đình chiến tạm dừng cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53) bằng một hiệp ước hòa bình, mà Bình Nhưỡng rõ ràng tin rằng sẽ giúp đảm bảo an ninh cho chế độ hiện nay ở nước này.

Kim Jong-un đã tuyên bố rằng ông sẽ tích cực theo đuổi các cuộc đàm phán đa phương để đạt được hiệp ước hòa bình "tạo ra nền tảng cho hòa bình lâu dài."

Đối với Tập Cận Bình, chuyến thăm của ông tới Bình Nhưỡng, nếu thành hiện thực, có thể tạo điều kiện cho những nỗ lực của ông nhằm duy trì ảnh hưởng trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh có những lo ngại rằng một thỏa thuận hòa bình giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể khiến Triều Tiên xa lánh Bắc Kinh.

Chuyến thăm của Kim Jong-un tới Bắc Kinh trong tuần này đã cho thấy rõ cảm giác gấp rút của nhà lãnh đạo Triều Tiên trước cuộc gặp thượng đỉnh với Trump./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục