Lai Châu: Hướng đi mới từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

Nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện đang là hướng đi mới của huyện miền núi Tân Uyên (Lai Châu), góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Lai Châu: Hướng đi mới từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ảnh 1Khu vực nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng-Bản Chát tại bản Nậm Khăn, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu). (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng.

Đây là hướng đi mới của huyện miền núi Tân Uyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Địa bàn huyện Tân Uyên hiện có 17.460m3 tổng thể tích nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, với 147 lồng cá và sản lượng đạt 147 tấn năm 2019.

Các lồng cá này chủ yếu ở xã Tà Mít, nuôi tại lòng hồ thủy điện với những loại cá người dân nuôi chủ yếu như: cá lăng, cá bống, cá trắm, cá rô phi đơn tính, cá chép...

Ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Uyên, cho biết vài năm gần đây, huyện đã khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Từ năm 2017 đến nay, huyện Tân Uyên đã hỗ trợ kinh phí trên 3,2 tỷ đồng cho 31 hộ gia đình nuôi cá lồng.

[Kiếm tiền tỷ nhờ nuôi cá bán tự nhiên trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình]

Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, giúp họ tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo.

Với những loại cá đã cho thu hoạch như: cá lăng, trắm, chép, rô phi trừ các khoản chi phí cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng/hộ/năm. Từ đó, góp phần nâng thu nhập cho người dân địa bàn xã Tà Mít, đạt 33 triệu đồng/người/năm (năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2018 (xã Tà Mít giảm 1,95%).

Tà Mít là xã vùng sâu, khó khăn của huyện Tân Uyên. Toàn xã có 3 bản, với 292 hộ dân và hơn 1.500 nhân khẩu. Đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, người Thái chiếm 90%, Dao hơn 9%.

Sau khi lòng hồ Thủy điện Huội Quảng-Bản Chát tích nước, phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân bị ngập.

Trong khi đó, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn.

Trước thực tế ấy, xã Tà Mít đã tận dụng nhiều vị trí lòng hồ có diện tích bề mặt rộng từ 2-3km, mực nước sâu vài chục mét, nguồn nước sạch để vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ.

Bắt đầu triển khai từ năm 2018, xã Tà Mít được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Với nguồn vốn này, xã đã giải ngân cho 11 hộ gia đình tham gia nuôi cá lồng để làm 55 lồng cá và hỗ trợ toàn bộ cá giống, một phần thức ăn.

Mới đầu triển khai, xã gặp khó khăn do người dân chưa hưởng ứng, bà con chủ yếu lo sợ dịch bệnh và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Để người dân tham gia nhiệt tình, xã Tà Mít đã tăng cường cán bộ xuống dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phân tích cho họ hiểu về nuôi cá lồng, sau đó tuyên truyền, vận động người dân. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng ủng hộ.

Khi người dân tin tưởng, xã Tà Mít đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Sông Thiên Đức ở tỉnh Bắc Ninh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các hộ dân lựa chọn giống, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Cùng với đó, xã Tà Mít còn tổ chức cho bà con đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng ở huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Sau hơn 2 năm triển khai, bà con xã Tà Mít thấy hiệu quả và nhân rộng diện tích nuôi cũng như số lượng lồng cá. Năm 2019, người dân trong xã đã tự liên kết, hợp tác với nhau thành lập Hợp tác xã Phát triển, có 7 hộ gia đình tham gia, với 40 lồng cá.

Năm 2020, Hợp tác xã này tiếp tục nhân rộng thêm 60 lồng cá, nâng tổng số lên 100 lồng.

Mục đích hoạt động của Hợp tác xã nhằm giúp người dân cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tạo nguồn gốc sản phẩm uy tín trên thị trường.

Gia đình anh Tòng Văn Cha ở bản Nậm Khăn, xã Tà Mít là một trong những thành viên của Hợp tác xã Phát triển.

Gia đình anh Cha có 6 lồng cá, mỗi năm anh bán được 6 tấn, lợi nhuận thu về mỗi 1 tấn lãi được 30-35 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2020 anh Cha tiếp tục đầu tư thêm 6 lồng.

Anh Cha chia sẻ: “Từ khi được Ủy ban Nhân dân xã vận động chuyển đổi sang nuôi cá lồng, với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, cùng với vay mượn thêm, anh đã nuôi 12 lồng cá. So với trồng lúa trước đây thì nuôi cá lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, sau hơn 2 năm nuôi cá lồng cuộc sống của gia đình anh được cải thiện.”

Ông Lò Văn Tập, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tà Mít, cho hay nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con. Đến nay, trên địa bàn xã Tà Mít có gần 10.700 m2 diện tích nuôi thủy sản, trong đó có 128 lồng cá.

Năm 2019, thu nhập từ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tại lòng hồ hơn 120 tấn, bán với giá bình quân 65-70.000 đồng/kg, giá trị đem lại trên 8 tỷ đồng, giá trị kinh tế thu về năm sau cao hơn năm trước.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện góp phần tạo việc làm cho bà con, tăng thu nhập và hạn chế đi làm ăn xa xuất khẩu, vượt biên trái phép.

Lai Châu: Hướng đi mới từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ảnh 2Người dân bản Nậm Khăn, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, thu hoạch cá Lăng, một trong những loại cá có giá trị kinh tế cao được nuôi trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng-Bản Chát. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Riêng năm 2020, xã Tà Mít tiếp tục triển khai làm thêm 115 lồng, với diện tích 4.140 mét vuông.

Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi cá lồng còn gặp khó khăn do đầu ra chưa ổn định. Hầu hết người dân chưa có công ty, doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm, mà chỉ bán rẻ tại các chợ, nhà hàng nhỏ trên địa bàn huyện Tân Uyên và thành phố Lai Châu.

Xã Tà Mít mong muốn huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu quan tâm đầu ra, có những chính sách ưu đãi mời gọi doanh nghiệp để tạo đầu ra, thu nhập ổn định cho bà con.

Thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện với những giải pháp gồm: quy hoạch phát triển tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, quy hoạch chi tiết vùng gắn với các đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả tại hồ thủy điện.

Huyện chú trọng gắn nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa với nuôi truyền thống; ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới, để bà con có vốn đầu tư nuôi cá lồng.

Mặt khác, huyện Tân Uyên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp giống thủy sản nước ngọt, cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm như: hỗ trợ thuế sử dụng đất, cấp giấy phép hoạt động, tư vấn và kiểm tra kịp thời trong quá trình hoạt động của các đơn vị./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục