Có thể tiếp tục giảm

"Lãi suất cho vay vẫn có thể giảm tiếp từ 2-3%/năm"

Do tình hình sản suất của các DN còn nhiều khó khăn nên Ủy ban Giám sát cho rằng lãi suất cho vay có thể giảm tiếp từ 2-3%/năm.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa đưa ra báo cáo nhận định kinh tế Việt Nam tháng 4 với nhiều tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, theo Ủy ban này, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nên lãi suất cho vay vẫn có thể giảm tiếp từ 2-3%/năm.

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm

Theo Ủy ban Giám sát, chỉ số CPI tháng 4/2013 tăng nhẹ 0,02% so với tháng 3/2013 và tỷ lệ lạm phát trung bình của 4 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 14,57% của 4 tháng đầu năm 2012. Điều này cho thấy lạm phát đang được kiểm soát khá tốt.

Ủy ban này phân tích, lương thực giảm giá (xuất khẩu gạo giảm dẫn đến tồn kho nhiều và nguồn cung lớn) vẫn là nhân tố gây tác động chính khiến CPI giảm trong những tháng qua. Trong quý 1, sự giảm giá của chỉ số giá hàng nông sản và chỉ số giá nhập khẩu (lần lượt giảm 5,48% và 2,82% so với cùng kỳ) đang bù đắp cho áp lực tăng giá từ các nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và giá bán của hàng sản xuất công nghiệp (lần lượt tăng 3,36% và 3,58% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, cũng cần nhìn nhận rằng, lực cầu quá yếu cũng là nguyên nhân khiến cho những yếu tố thường gây áp lực lớn đến CPI như việc tăng giá xăng, giá thuốc và dịch vụ y tế cũng không gây nhiều tác động đến việc tăng chỉ số giá chung.

Đồng tình với nhận định trên, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng, bất kể tăng trưởng toàn cầu thấp, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng với đà hai con số. Nhập khẩu linh kiện tăng cho thấy dòng xuất sẽ có khả năng duy trì mạnh trong suốt năm. FDI tăng và phần nhiều trong số đó được hướng tới khu vực sản xuất đang thúc đẩy tăng trưởng công ăn việc làm.

"Với đà tăng giá thực phẩm đang chậm lại, chúng tôi kỳ vọng lạm phát toàn phần sẽ thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái vào quý 2, hỗ trợ cho sức mua của người tiêu dùng," HSBC nhận định.

Ngoài yếu tố lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thì Ủy ban Giám sát cũng cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và vẫn được duy trì khá tốt kể từ đầu năm. Lãi suất cho vay trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) ở mức tương đối thấp, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với mức lãi suất phổ biến từ 3-5%.

Cũng theo Ủy ban này, sự ổn định của môi trường kinh tế Việt Nam được các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá lạc quan với nhận định những rủi ro của nền kinh tế có chiều hướng giảm. Nhờ sự lạc quan của các nhà đầu tư, vốn FDI thực hiện và vốn đăng ký đã đạt mức tăng khá mạnh so với cùng kỳ 2012.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được cải thiện, vốn khả dụng bằng VND của các tổ chức tín dụng khá ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở không lớn.

Chính vì vậy, Ủy ban này cho rằng, các yếu tố như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và mặt bằng lãi suất trong xu hướng giảm đang hình thành nên cơ sở để lãi suất cho vay có thể giảm thêm 2-3% trong thời gian tới.

Tăng trưởng vẫn khó khăn


Theo Ủy ban Giám sát, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, dẫn đến hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế kết hợp với những khó khăn nêu trên trong kinh doanh sản xuất đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn kiệt, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vì vậy vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, 4 tháng đầu năm, đã có 16,6 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012.

"Có thể nói, sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này sẽ không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu ngân sách Nhà nước năm 2013 mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau," báo cáo nhận định.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 23/4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, tuy nhiên mức tăng này vẫn còn thấp so với mục tiêu định hướng chủ yếu do tính quy luật hàng năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ở mức thấp, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ và chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn nên nhu cầu tín dụng hạn chế và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các nhân tố tác động chủ yếu là vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, khả năng tiêu thụ sản phẩm, vướng mắc về xử lý tài sản bảo đảm.

Còn Ủy ban Giám sát thì cho rằng, hiện tượng này được hình thành bởi 2 nguyên nhân chủ yếu: Do tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn; và do khó khăn trong việc tìm đầu ra tín dụng, vốn huy động chủ yếu được tập trung vào đầu tư tài chính phi tín dụng như đầu tư trái phiếu Chính phủ cho dù lợi suất trái phiếu Chính phủ có những thời điểm đã hạ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, cũng theo Ủy ban này, lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tỷ lệ nợ xấu cao khiến tín dụng khó tăng mạnh dù huy động vẫn đạt mức tăng khá. Hiện tượng này được hình thành do tỷ lệ nợ xấu cao khiến nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh huy động nhưng chủ yếu là để trả nợ những khoản huy động cũ đáo hạn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục