Lãi suất huy động đôla Mỹ nóng từng ngày

So với tháng 6, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại đã tăng lên gần gấp đôi, tỷ giá USD/VND chính thức cũng bất ngờ tăng mạnh.
So với tháng 6, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại đã tăng lên gần gấp đôi, tỷ giá USD/đồng chính thức cũng bất ngờ tăng mạnh, nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp liên tục tăng trong thời gian qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để thu hút thêm vốn, trong thời gian gần đây, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước đã tăng lãi suất USD với mức tăng khoảng 0,2 - 0,5%/năm, một số ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh tăng khoảng 0,5 - 1,2%/năm.

Mức lãi suất cao nhất hiện nay là 4,15%/năm của Ngân hàng Nhà Hà Nội áp dụng đối với kỳ hạn 60 tháng và số tiền gửi lớn hơn 100.000USD. Như vậy, so với giữa năm, lãi suất huy động USD đã được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tăng gấp đôi.

Cụ thể, ngày 14/9, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng lãi suất huy động tiền VND và USD ở tất cả các kỳ hạn. Với lãi suất huy động USD, VietBank áp mức 2,50%/năm ở kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng là 2,75%/năm, 9 tháng là 2,80%/năm, 12 tháng là 2,90%/năm, 24 tháng là 3,20%/năm; riêng kỳ hạn 36 tháng lên tới 3,5%/năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm bậc thang USD đối với khách hàng cá nhân từ ngày 9/9, theo đó, điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn, mức tăng dao động từ 0,1 - 0,2%/năm.

Ngày 8/9, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) tăng lãi suất huy động USD, mức cao nhất đã chạm mốc 4%/năm. Với điều chỉnh mới, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng tại SCB lần lượt là 1,7% và 1,9%/năm; kỳ hạn 3 và 4 tháng là 2,25%/năm; kỳ hạn 5 tháng là 2,3%/năm; kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng là 2,6%/năm; kỳ hạn 12- 24- 36- 48- 60 tháng lần lượt là 2,9%, 3,1%, 3,3%, 3,4% và 4%/năm.

Trước đó, một loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Seabank đã “nhanh tay” tăng lãi suất huy động USD để thu hút thêm nguồn vốn.

Theo lý giải của SCB, việc tăng lãi suất huy động USD, đặc biệt là đối với các kỳ hạn gửi dài, nhằm mang đến lãi suất cạnh tranh cho khách hàng gửi tiền cũng như đảm bảo nhu cầu về ngoại tệ cho các doanh nghiệp vay USD đang tăng lên đáng kể.

Tỷ giá liên ngân hàng linh hoạt theo thị trường

Không chỉ lãi suất huy động USD tăng, trong những ngày gần đây, tỉ giá USD/đồng liên ngân hàng (chính thức) bất ngờ tăng mạnh từ đầu tuần tới nay. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại luôn chạm mức trần cho phép và đang giữ ở mức kỷ lục.

Ngày 10/9, tỉ giá bình quân liên ngân hàng tăng lên mức 16.983 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng được nâng lên mức cao nhất từ trước đến nay 17.832 đồng đổi một USD.

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 16.985 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày 10/9. Tại các ngân hàng thương mại, giá mua vào-bán ra cũng được điều chỉnh lên mức 17.834 đồng/USD.

Việc giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại tăng cao và đồng loạt được niêm yết ở mức trần cho thấy nhu cầu ngoại tệ đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia, tỉ giá liên ngân hàng tăng không phải vấn đề đáng lo ngại mà chính là cách thức điều hành linh hoạt theo cung cầu thị trường của Ngân hàng Nhà nước.

Tỉ giá niêm yết chính thức tăng cũng góp phần làm giảm bớt tình trạng giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp. Trái ngược với tỉ giá chính thức, tại các cửa hàng kinh doanh ngoại tệ, giá USD giảm tới 30 đồng, giao dịch trầm lắng. Nhằm khuyến khích trao đổi ngoại tệ, các cửa hàng cũng giảm mức chênh lệch mua vào-bán ra xuống chỉ còn 20 đồng.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia: “Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế trong nước và thế giới đang dần hồi phục thì mục tiêu quan trọng hàng đầu là giữ ổn định tỉ giá từ nay tới cuối năm". Việc các chính sách điều hành thị trường tiền tệ linh hoạt và hợp lý sẽ là "chìa khóa" để thực hiện mục tiêu này./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục