Lo lãi suất thỏa thuận

Lãi suất thỏa thuận và nỗi lo ngân hàng thương mại

Nhiều ngân hàng thương mại đang cho vay lãi suất thoả thuận vượt khung, với mức lãi suất thỏa thuận lên tới trên 14-15%/năm.
Tại thời điểm các ngân hàng thương mại đang tăng cường cho vay tiêu dùng như hiện nay thì mong muốn hoàn thiện tính pháp lý của việc áp dụng lãi suất thỏa thuận đang là vấn đề cấp bách.

Ông Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đang cho vay vượt khung lãi suất, với mức lãi suất thỏa thuận lên tới trên 14-15%/năm. Có tình trạng một số ngân hàng lo khách hàng vay không trả nợ được sẽ kiện ngân hàng ra tòa để hủy hợp đồng vì vi phạm pháp luật.

Phá “trần” để phát triển

Một số ngân hàng nước ngoài cho biết, việc cho vay thấu chi qua thẻ có lãi suất thậm chí vượt quá 24%/năm (được biện giải là do tính rủi ro cao hơn) là lý do khiến nhiều ngân hàng muốn trục lợi từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, hiện việc cho vay theo trần lãi suất đang làm méo mó thị trường tín dụng. Theo một quan chức của ngân hàng ABBank, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân với lãi suất thỏa thuận là do được Ngân hàng Nhà nước mở đường bằng thông tư 01/2009/TT-NHNN hồi đầu năm nay.

Theo đó, các ngân hàng thương mại được phép cho vay với lãi suất thỏa thuận phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay thông qua phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Sự nới lỏng này là một phần trong những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Thế nhưng, theo Điều 476 của Bộ luật Dân sự sửa đổi thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại hình cho vay tương ứng.

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

“Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, sẽ có nhiều rủi ro cho ngân hàng về sau này vì thông tư có tính pháp lý chưa cao. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngân hàng phải thẩm định kỹ để giảm thiểu rủi ro trong tương lai và rủi ro đó ở mức có thể chấp nhận được”, đại diện ngân hàng ABBank cho biết.

Cũng giống như ABBank, đại diện của ngân hàng Eximbank cho biết, ngân hàng này hiện vẫn phải dựa trên thông tư của Ngân hàng Nhà nước và tiến hành kiểm soát rủi ro.

“Có thể sẽ không xảy ra tình trạng tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng. Thế nhưng, rất có thể các ngân hàng sẽ bị thanh tra “thổi còi” vì lạm dụng cho vay thoải mái, thiếu kiểm soát, để tăng trưởng tín dụng nóng, các khoản vay không nhằm mục đích tiêu dùngm mà đổ vào chứng khoán…”, vị đại diện của ngân hàng Eximbank cho biết thêm.

Một đại diện của ngân hàng Standard Chartered Bank hy vọng Quốc hội sẽ sửa đổi điều luật này vào cuối năm nay để các ngân hàng có thể đưa ra dịch vụ cạnh tranh hơn cho khách hàng.

Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Quốc hội sẽ phải giải quyết vướng mắc khi Luật Dân sự quy định mức lãi suất cho vay tối đa không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản, trong khi đó cho vay tiêu dùng đang được áp dụng mức lãi suất thỏa thuận.

“Luật Dân sự chỉ cần giải thích là điều khoản lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản chỉ áp dụng đối với hoạt động cho vay không chính thức khi phát sinh tranh chấp pháp lý. Điều này sẽ gỡ được nhiều vướng mắc không đáng có hiện nay”, ông Thúy gợi ý.

Tiềm năng lớn

Ngân hàng An Bình đặt mục tiêu dài hạn trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam với việc phát triển mỗi điểm giao dịch như một siêu thị tài chính đa năng. Các siêu thị tài chính này cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng gồm dịch vụ gửi tiền tiết kiệm, vay mua nhà, tiêu dùng, mua bảo hiểm, thanh toán tiền điện, cước viễn thông, và chuyển tiền trong và ngoài nước và triển khai nhiều sản phẩm dành cho các phân khúc thị trường khác nhau.

Tiềm năng của sản phẩm dịch vụ tài chính cá nhân tại Việt Nam còn rất lớn, hiện nay chỉ mới có 20% dân số sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng. Theo thống kê của ABBank, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập về dịch vụ khách hàng cá nhân của ABBank tại thời điểm 31/9/2009 đã tăng 303% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dư nợ cho vay cá nhân của ABBank tính đến 29/9/2009 đạt 3.500 tỷ đồng, chiếm 32% trong tổng dư nợ của ngân hàng này, trong số đó hơn 50% là dư nợ cho vay cá nhân mua nhà đất. Tỷ lệ tăng trưởng huy động khách hàng cá nhân tại ABBank cho đến ngày 31/8/2009 là 367%.

Standard Chartered Bank cũng vừa ra mắt dịch vụ ngân hàng ưu tiên tại Việt Nam cho giới “thượng lưu” khi tỷ lệ khách hàng giàu có tại Việt Nam tiếp cận với ngân hàng tăng 20%/năm và số lượng người đi du lịch và học sinh đi du học nước ngoài đang tăng lên.

Dịch vụ ngân hàng ưu tiên này gồm các giải pháp tài chính đặc trưng trong chuỗi các dịch vụ và lợi ích toàn cầu, bao gồm các giải pháp tài chính đặc trưng trong mỗi giao dịch ngân hàng, cho vay, bảo đảm, đầu tư và các sản phẩm mới đặc thù cùng với dịch vụ.

Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 9 đạt 36.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với đầu năm 2009.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi quyết định 1627 ban hành năm 2001 về quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng như có thể đề xuất một công cụ điều hành lãi suất mới tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hoạt động linh hoạt hơn trong thời gian tới./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục