Dù lãi suất của nhiều ngân hàng đã giảm sâu so với hồi đầu năm, tuy nhiên người dân vẫn không mặn mà với việc vay vốn. Nguyên nhân được cho là thời gian ưu đãi quá ngắn và giá nhà vẫn cao so với thực tế.
Lãi suất đã có đáy mới
Theo ghi nhận, trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với trước đó. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tại các ngân hàng khác như VietinBank, Agribank và BIDV lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng hiện ở mức 2,6%/năm; từ 3 đến dưới 6 tháng lãi suất 3%/năm; từ 6 đến dưới 12 tháng là 4%/năm. Các kỳ hạn dài từ 12 đến dưới 24 tháng áp dụng lãi suất 5%/năm và từ 24 tháng trở lên là 5,3%/năm.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh cho vay phục vụ tiêu dùng
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng.
Không riêng với nhóm Big4, lãi suất tại nhiều ngân hàng cũng đang dò đáy. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần cũng thu hẹp, thay vì ở mức 2-3 điểm % trước đây, giờ chỉ còn dưới 2 điểm %. Chẳng hạn, mức lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng giờ khoảng 5,75%/năm, chỉ cao hơn lãi suất thấp nhất tại Vietcombank cùng kỳ hạn là 0,95 điểm %.
Sau khi lãi suất huy động về đáy, nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay mua nhà. Lãi suất ưu đãi khi vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng hiện dao động từ 5,99%-10,99%/năm, áp dụng ở kỳ hạn vay ngắn từ 3-6 tháng. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 9,5%-13%/năm.
Khảo sát tại nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy từ 2 tháng trở lại đây, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm đáng kể. Theo đó, SHB, MB, Techcombank, VIB, TPBank, ACB… đều có mức lãi suất vay khoảng 7,5%/năm với tỷ lệ vay tối đa từ 75%- 80% giá trị khoản vay mua nhà.
So với đầu năm, lãi suất cho vay mua nhà đất tại nhiều ngân hàng đã giảm khoảng 1%-3%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với giai đoạn 2020-2021, lãi suất cho vay mua nhà vẫn cao hơn.
Nhiều người có ý định mua nhà vẫn đắn đo vì cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà hiện còn cao so với khả năng trả nợ và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm.
Có nhu cầu vay 2 tỷ đồng để mua nhà, chị Nguyễn Minh Hiền (Gia Lâm, Hà Nội) được nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần tư vấn nhiều gói vay ưu đãi. Trong đó, chị chú ý nhất đến gói vay với lãi suất chỉ khoảng 6,9%/năm. Tuy nhiên, khi đọc kỹ, chị Hiền nhận thấy mức này chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu tiên, sau đó thả nổi sẽ lên khoảng 12%/năm.
Cũng tại gói vay trên, theo chị Hiền, nếu khách hàng nhận ưu đãi 12 tháng đầu, khoản vay sẽ chịu mức lãi suất 8%/năm. Với ưu đãi 24 tháng đầu tiên, lãi suất của khoản vay vào khoảng 9%.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa vẫn thấp là do người dân vẫn còn bi quan về tình hình kinh tế trên thế giới và trong nước, có xu hướng để dành tiền dự phòng trong thời gian tới thay vì đem ra chi tiêu. Hơn nữa, lãi suất thả nổi sau ưu đãi tại một số ngân hàng có điều kiện vay dễ vẫn còn cao hơn 1%-2% so với thời điểm trước dịch COVID-19, nhiều người vẫn chờ lãi suất giảm thêm vì sợ ảnh hưởng đến kế hoạch trả nợ trong tương lai.
Theo dự báo của ông Huân, mặt bằng lãi suất cho vay nói chung và cho vay lĩnh vực bất động sản, lãi suất các khoản vay cũ sẽ khó giảm thêm nhiều như mong đợi của nhiều người vì lợi nhuận các ngân hàng đang giảm.
Giá nhà vẫn cao
Dù ngân hàng đã lên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhiều người có nhu cầu mua nhà nhưng lăn tăn chưa xuống tiền vì cho rằng giá nhà vẫn còn cao.
Anh Nguyễn Văn Công (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết căn nhà anh định mua diện tích nhà chung cư 125m2 với 3 phòng ngủ trên phố Núi Trúc (quận Ba Đình) đang được rao bán với giá 8,3 tỷ đồng. Giá này chưa hề giảm, mà còn tăng hơn so với năm 2022.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết người dân có nhu cầu thật lúc nào cũng sẵn sàng "xuống tiền" để mua nhà, cho dù Nhà nước hay ngân hàng có chính sách hỗ trợ hay không. Do đó, vấn đề ở đây là làm sao giá nhà phải hợp lý.
Theo ông Châu, thực tế thị trường hiện nay đang rất cần nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền. Tuy nhiên, phần lớn các dự án nhà ở hiện nay đều nằm trong phân khúc trung và cao cấp, từ 30 triệu đồng/m2 trở lên.
"Nhà nước phải rút ngắn thủ tục hành chính, bởi thủ tục càng kéo dài thì chi phí xây dựng càng đội lên cao. Chi phí được tính vào giá thành. Do đó, thủ tục hành chính càng rút ngắn thì mới mong giảm được giá nhà ở cho người dân," ông Châu nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này lãnh đạo Vietcombank cho hay từ đầu năm tới nay, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay khoảng 2,5%/năm cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng giá nhà lại không giảm, phần lớn vẫn neo ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của số đông.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết những vấn đề của thị trường bất động sản như thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp tắc nghẽn, pháp lý dự án chậm được tháo gỡ… cũng tác động không nhỏ tới hoạt động giải ngân vốn của các ngân hàng.
Nhằm thúc đẩy cho vay mua nhà cũng như cho vay tiêu dung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng trong triển khai Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Các tổ chức tín đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn./.