Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai thực hiện đề án phát triển các vùng rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ đạt diện tích canh tác rau khoảng 30.000ha với sản lượng 3,8-4 triệu tấn, trong đó có 24.000ha canh tác rau an toàn tập trung với sản lượng từ 3,1-3,3 triệu tấn/năm.
Theo Kế hoạch số 2976/KH-UBND ngày 17/4/2024 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, tới năm 2030, toàn tỉnh sẽ có tới 80% diện tích canh tác rau đạt tiêu chuẩn canh tác rau an toàn, 84% sản lượng đảm bảo truy xuất nguồn gốc; có trên 10.000ha sản xuất rau được cấp giấy chứng nhận an toàn; 100% sản phẩm rau, củ, quả tại các vùng sản xuất tập trung rau an toàn đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Tỉnh Lâm Đồng cũng phấn đấu tới năm 2030 có 10 vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Sản lượng rau đưa vào sơ chế, chế biến chiếm 80% sản lượng sau sản xuất ra, nâng tỷ lệ rau tiêu thụ qua hợp đồng đạt trên 70%. Giá trị xuất khẩu rau đạt trên 100 triệu USD mỗi năm.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai thực hiện theo hướng ổn định diện tích rau canh tác tại khu vực thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận; phát triển mở rộng diện tích sản xuất rau tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm… trên cơ sở chuyển đổi từ diện tích cây lương thực, cây công nghiệp và vườn tạp; hình thành vùng rau sản xuất tập trung, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và lựa chọn một số loại sản phẩm chủ lực có lợi thế sản xuất và khả năng liên kết phát triển thị trường và cung cấp cho hoạt động sơ chế, chế biến.
Đến năm 2030, tỉnh có trên 24.000ha canh tác rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc với hệ số canh tác đạt 3,1-3,3 lần; tiếp tục đầu tư phát triển 8 vùng rau sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 9.700ha.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra nội dung triển khai nghiên cứu, chọn tạo sản xuất các giống rau mới trong nước đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị trường.
Trước mắt, tỉnh tiếp tục lựa chọn, nhập khẩu, mua bản quyền các giống rau mới có năng suất, chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP và tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, nâng cao thương hiệu của sản phẩm rau Lâm Đồng.
Hằng năm, tỉnh phát triển thêm 3-5 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau; thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstics nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, các dịch vụ trọn gói…
Được thiên nhiên ưu đãi điều kiện khí hậu mát mẻ, lại có truyền thống canh tác các loại rau ôn đới từ 130 năm qua, rau Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước.
Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu cả nước về trình độ canh tác nông nghiệp cao, không chỉ sản xuất rau mà cả các loại cây trồng khác như hoa, cây công nghiệp, cây ăn trái.
Hiện nay, mỗi năm Lâm Đồng sản xuất 2,7 triệu tấn rau các loại. Rau là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau Lâm Đồng đạt trên 74 triệu USD, tăng trên 95% sản lượng và tăng 45% về giá trị so với năm 2022.
Hiện nay, rau Lâm Đồng được xuất khẩu ra các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... Các loại rau xuất khẩu chủ yếu là các loại rau ăn lá, ớt chuông, đậu, khoai tây, cà rốt…
Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, các loại rau được nông dân Lâm Đồng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, hữu cơ… nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, tiêu chuẩn mẫu mã mà nước nhập khẩu đưa ra./.
Hà Nội hướng tới hình thành vùng rau an toàn tập trung theo quy mô lớn
Toàn thành phố Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới; trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung.